Làng nghề tôm khô Rạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau) đã có từ rất lâu đời và được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học – Công nghệ công nhận sản phẩm tập thể của Cà Mau. Tôm khô Rạch Gốc có hương vị, màu sắc rất riêng so với các địa phương khác vì nguyên liệu chế biến từ con tôm tự nhiên. Bình quân từ 10 -12 kg tôm nguyên liệu sẽ chế biến ra 1kg tôm khô thành phẩm. Mỗi tháng, làng nghề sản xuất và cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn tôm khô, giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn.
Sơ chế tôm khô tại HTX Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: An Hiếu – TTXVN |
Tôm khô ở Ngọc Hiển chủ yếu là tôm bạc đất và các loại tôm gai, tôm chì, tôm sắt… được đánh bắt từ khai thác biển như: đóng đáy cạn, đáy khơi, cào… Muốn có được tôm khô ngon thì phải chọn được tôm nguyên liệu tươi và chế biến đúng cách. Trước đây người dân ở Ngọc Hiển chủ yếu chế biến bằng cách thủ công: rửa tôm sạch, nước đun thật sôi rồi mới thả tôm vào luộc, tùy theo kinh nghiệm của từng người bỏ thêm ít muối cho vừa ăn và đem ra phơi đúng độ nắng thì tôm sẽ có màu đỏ tự nhiên. Vào mùa mưa, tôm phơi không được nắng sẽ không ngon bằng mùa khô. Giờ đây đã tiến bộ hơn, một số cơ sở đã dùng máy sấy để làm tôm mau khô hơn sau khi luộc xong và sấy tôm vào mùa mưa. Nếu sử dụng máy sấy, một ngày có thể chế biến từ 03 – 05 tấn tôm nguyên liệu.
Phơi tôm khô nguyên vỏ tại HTX Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: An Hiếu – TTXVN |
Toàn huyện Ngọc Hiển hiện có 25 cơ sở sản xuất tôm khô có quy mô lớn, vừa và nhỏ; tháng 01/2011, UBND huyện Ngọc Hiển ủy quyền cho Hội Nông dân huyện làm chủ sở hữu đăng ký thương hiệu tập thể "Tôm khô Rạch Gốc". Tháng 9/2011, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học – Công nghệ đã công nhận 3 sản phẩm tập thể của Cà Mau, trong đó có tôm khô Rạch Gốc (2 sản phẩm còn lại là cá khô bổi U Minh, huyện Trần Văn Thời và mật ong U Minh, huyện U Minh). Tôm khô Ngọc Hiển nói riêng và của Cà Mau nói chung đã xây dựng và khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, có thêm bước tiến mới trong nền kinh tế hội nhập.
Danh Lợi - An Hiếu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN