Làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã hình thành và phát triển hơn 100 năm qua, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các cụ cao niên trong xã kể lại, trước đây, Định Yên gồm hai xã Định Yên và Định An ngày nay. Nghề dệt chiếu ở đây hình thành và phát triển hơn 100 năm qua. Với địa hình thuận lợi nằm dọc sông Hậu, Định Yên có nhiều cồn, bãi bồi thích hợp cho sự phát triển của cây lác, đây là nguồn nguyên liệu để dệt chiếu. Nghề dệt chiếu ở Định Yên ngày càng phát triển, nguyên liệu tại chỗ không đủ, phải mua thêm lác chẻ sẵn, phơi khô từ địa phương khác.
Chính sự hưng thịnh của nghề dệt chiếu mà chợ chiếu Định Yên dần hình thành, đặc biệt chỉ họp vào ban đêm. Thời điểm họp chợ không cố định, phụ thuộc vào con nước lớn - ròng (thủy triều lên - xuống) nhưng thường trong khoảng thời gian từ 23 giờ đến 4 giờ. Lúc bấy giờ, người đi chợ trao đổi, mua bán hàng hóa dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu hỏa. Vì yếu tố đặc biệt đó, chợ chiếu Định Yên còn được nhiều người gọi là “chợ ma”.
Nét đặc trưng riêng của chợ chiếu đêm là người mua ngồi tại chỗ, người bán mang chiếu đi lại rao bán. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân địa phương.
Theo lãnh đạo huyện Lấp Vò, nguyên liệu lác để làm chiếu của địa phương còn rất ít, hiện hầu hết phụ thuộc nguồn từ huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). Do yêu cầu phát triển của xã hội và khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhiều hộ chuyển sang dệt chiếu bằng máy để có năng suất, thu nhập cao hơn, số hộ dệt chiếu thủ công ngày càng giảm. Sản lượng chiếu nhiều, hệ thống giao thông phát triển, thương lái vào tận nhà người dân thu mua. Vì vậy, nhiều năm qua, chợ chiếu đêm Định Yên không còn.
Tuy trải qua nhiều thăng trầm, nghề dệt chiếu ở Định Yên vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, làng chiếu Định Yên có trên 800 hộ làm nghề dệt chiếu. Đa số đều sử dụng máy dệt nên năng suất lao động tăng cao. Trung bình mỗi năm, làng chiếu Định Yên sản xuất hàng triệu chiếc chiếu các loại như chiếu vảy ốc, chiếu bông, chiếu con cờ, chiếu trắng, chiếu cổ… tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Campuchia.
Bà Nguyễn Thị Kim Quí (ở xã Định Yên) đã có gần 50 năm theo nghề dệt chiếu. Bà Quí chia sẻ, dệt chiếu là nghề truyền thống của gia đình. Tuy lớn tuổi nhưng bà vẫn còn yêu nghề. Gần 20 năm trước, gia đình bà đầu tư máy dệt chiếu, sản lượng làm ra nhiều hơn dệt thủ công nên bà còn gắn bó cho đến nay.
Gia đình có 4 đời gắn bó với nghề dệt chiếu, ông Nguyễn Ngọc Thanh, chủ Cơ sở chiếu Thanh Hùng (xã Định Yên) cho biết, nhờ áp dụng hệ thống máy dệt chiếu giúp nâng cao sản lượng và chất lượng, tăng lợi nhuận. Hàng ngày, dệt bằng tay phải cần hai người làm và sản xuất chỉ được từ 4 - 5 chiếc chiếu. Khi dệt bằng máy, mỗi người dệt được 10 - 12 chiếc chiếu/ngày, với công dệt 15.000 đồng/chiếc, thu nhập từ 150.000 - 180.000 đồng/ngày. Cơ sở của ông đã đầu tư 10 máy dệt chiếu, tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động địa phương.
Mỗi tháng, Cơ sở chiếu Thanh Hùng sản xuất và mua chiếu thành phẩm từ người dân địa phương rồi mang đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, xuất khẩu sang Campuchia. Ông Nguyễn Ngọc Thanh cho biết thêm, thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm như chiếu nhựa, nệm… nhưng nhiều người vẫn chọn sử dụng chiếu lác vì nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, không hóa chất độc hại.
Tại Định Yên, một số hộ dệt chiếu thủ công nhằm lưu giữ nghề truyền thống của cha ông. Dù đã gần 70 tuổi, hàng ngày, vợ chồng ông Huỳnh Văn Chiến (ở xã Định Yên) vẫn ngồi dệt từng sợi lác để thành chiếc chiếu. Ông Huỳnh Văn Chiến bộc bạch, mỗi ngày vợ chồng ông dệt được hai chiếc, tiền công khoảng 30.000 đồng. Thu nhập thấp nhưng ông, bà vẫn theo nghề vì muốn góp phần lưu giữ truyền thống của địa phương.
Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lấp Vò Nguyễn Văn Kiệt, hiện nay, người dân làng nghề đã áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, sản lượng ngày càng cao. Không chỉ tiêu thụ trong nước, chiếu Định Yên còn được xuất bán nhiều nơi, đặc biệt xuất khẩu sang Campuchia. Để góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương, huyện Lấp Vò triển khai khôi phục, phát huy giá trị làng nghề dệt chiếu thủ công truyền thống và tái hiện lại chợ chiếu Định Yên kết hợp trải nghiệm văn hóa lịch sử địa phương.
Ông Nguyễn Văn Kiệt cho hay, trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống dệt chiếu Định Yên, huyện đang nghiên cứu thực hiện vùng trồng lác phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm và vùng trồng lác nguyên liệu, bước đầu, quy hoạch ở hai xã Định Yên, Định An.
Bên cạnh sản xuất bằng máy móc, địa phương có chính sách hỗ trợ người dân giữ gìn nghề dệt chiếu truyền thống; tổ chức cuộc thi sáng tạo sản phẩm từ chiếu và cây lác… Huyện hướng đến phát triển du lịch, tái hiện lại không gian “chợ ma”- nơi giao thương sản phẩm chiếu của người dân Định Yên trước đây.
Nhựt An