Đến xã Hàng Vịnh vào những ngày này, mọi người sẽ cảm nhận không khí rộn ràng, tất bật của làng nghề làm bánh phồng tôm. Tại đây, mỗi hộ gia đình là một cơ sở sản xuất. Tuy quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng điểm chung là đều mang đậm hương vị đặc trưng của quê hướng xứ biển. Nhờ vậy, mà hơn chục năm hình thành, đặc sản bánh phồng tôm Hàng Vịnh được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Phơi phồng tôm tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn (Cà Mau). Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN |
Là người đầu tiên tại địa phương sản xuất bánh phồng tôm, ông Mai Sáu, ấp 2, xã Hàng Vịnh cho biết, ban đầu người dân chủ yếu làm bánh phồng tôm để biếu tặng người thân trong dịp Tết. Qua thời gian, bánh phồng tôm sản xuất tại Hoàng Vịnh được nhiều người biết đến, từ đó, nhận thấy đây là một nghề có thể phát triển tốt trong tương lai nên ông Sáu quyết định đầu tư mở rộng sản xuất.
Sau hơn 10 năm theo nghề, từ một cơ sở nhỏ thì đến năm 2016, gia đình ông Sáu đã thành lập công ty chuyên sản xuất bánh phồng tôm. Sản phẩm bánh phồng tôm của công ty được tiêu thụ rộng khắp cả thị trường trong và ngoài nước.
Nhận thấy để sản xuất quy mô lớn thì không thể thiếu máy móc, nên khoảng 3 năm trước, gia đình ông Sáu đã đầu tư máy móc để thay thế dần cho cách làm thủ công.
Sản xuất phồng tôm tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn (Cà Mau). Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN |
Hiện tại, ông Sáu đã được trang bị gần như đầy đủ các loại máy móc phụ vụ cho nhu cầu sản xuất như: Máy cắt, máy ép, máy trộn bột và nguyên liệu, máy nghiền, máy hấp… với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng.
“Nếu như những năm trước, sản lượng bánh phồng tôm chỉ ở mức từ 1-2 tấn/năm thì nay riêng thị trường trong nước đã tăng lên vài chục tấn/năm. Đặc biệt, công ty mỗi năm còn cung ứng hơn 200 tấn bánh phồng tôm ở thị trường nước ngoài”, ông Sáu hồ hởi.
Phơi bánh phồng tôm tại một cơ sở sản xuất tại xã Tân Ân Tây. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Phơi bánh phồng tôm tại một cơ sở sản xuất tại xã Tân Ân Tây. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Đóng gói bánh phồng tôm tại một cơ sở sản xuất tại xã Tân Ân Tây. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Hiện, chỉ riêng công ty của gia đình ông Sáu đã sản xuất 6 loại bánh phồng tôm, với giá bán trung bình là 120.000 đồng/kg. Mỗi năm công ty đạt doanh thu khoảng 25 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 15% so với tổng doanh thu. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho khoảng 30 lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Theo những người làm bánh tại địa phương, nguồn nguyên liệu chủ yếu chế biến bánh phồng tôm gồm tôm đất còn tươi sống, bột và gia vị trộn đều với tỷ lệ phù hợp. Bình quân, cứ 10kg nguyên liệu sẽ cho ra lò 13kg bánh thành phẩm.
Quy trình làm bánh phồng tôm rất đơn giản. Trước tiên là sơ chế tôm rồi bỏ tủ đông khoảng 24 tiếng, sau đó, tôm được xay ra để trộn cùng bột và gia vị. Bước tiếp theo là cán bánh cho đều để đem đi hấp, sấy hoặc phơi. Tuy nhiên, bí quyết của nằm ở cách phối trộn nguyên liệu và gia vị riêng.
Anh Nguyễn Chí Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàng Vịnh thông tin, địa phương có điều kiện thuận lợi là nguồn nguyên liệu tôm dồi dào, chất lượng cao. Hơn nữa người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nên nghề làm bánh phồng tôm phát triển rất tốt. Nghề làm bánh phồng tôm không chỉ giúp cho nhiều hộ gia đình làm nghề truyền thống vươn lên khá giả mà còn tạo công ăn việc làm cho trên 100 lao động nhàn rỗi tại địa phương có điều kiện ổn định cuộc sống, nhất là trong mỗi dịp Tết.
Bên cạnh đó, sản phẩm bánh phồng tôm của nhiều hộ nơi đây nhiều năm liền được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Huỳnh Anh
TTXVN