Làng nghề bánh phồng Cái Bè ngày cận Tết

Làng nghề bánh phồng Cái Bè ngày cận Tết

Làng nghề bánh phồng sữa Cái Bè có cách đây gần 100 năm, tọa lạc tại xã Đông Hòa Hiệp và khu 4, thị trấn Cái Bè (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Đây là nghề truyền thống đặc thù của miệt vườn sông nước Cái Bè.

Làng nghề bánh phồng Cái Bè ngày cận Tết ảnh 1Sản xuất bánh phồng tại hộ của anh Nguyễn Văn Phước, ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: tiengiang.gov.vn

Tại đây, ước tính có trên 150 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động địa phương. Trong đó, có một số cơ sở sản xuất quy mô lớn, thu hút nhiều lao động, sản phẩm cung ứng khắp các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, Tp. Hồ Chí Minh.

Theo bà con làng nghề, để có được một cái bánh thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Các khâu công việc đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ, tập trung của người thợ lành nghề. Đầu tiên, từ củ khoai mì thợ lột vỏ, hấp chín. Sau đó, loại bỏ xơ ở giữa, đem xay ra thành bột.

Người thợ làng nghề dùng bột này nhào chung với đường, sữa, mạch nha, sầu riêng, nước lá dứa… cho đến khi bột nhuyễn. Sau đó, đem cán mỏng và sấy hoặc phơi cho bánh dẻo. Công đoạn cuối cùng là đóng gói bảo quản, đưa đi tiêu thụ khắp các nơi.

Anh Nguyễn Văn Phước ở ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp có hơn 30 năm gắn bó với làm nghề bánh phồng sữa chia sẻ, làm nghề này phải chịu cực khổ, thức khuya, dậy sớm và siêng năng, cần mẫn. Vào mùa Tết khoảng 12 giờ khuya cả gia đình đã phải thức để làm bánh. Mỗi ngày, nhà anh sử dụng trung bình từ 40 kg đến 60 kg mì nguyên liệu làm bánh phồng. Bánh phồng làm trong buổi sáng để kịp phơi phong, đóng gói, tiêu thụ.

Do là cơ sở nhỏ, chủ yếu lao động gia đình nên lượng sản phẩm làm ra không nhiều, được gia đình anh bán cho các thương lái hoặc đầu mối lớn tại huyện Cái Bè. Thông qua các đầu mối này, sản phẩm bánh phồng sữa sẽ được đưa đi tiêu thụ khắp các nơi. Sau khi trừ đi chi phí, gia đình anh Phước thu lãi khoảng vài ba trăm nghìn đồng mỗi ngày đủ trang trải chi phí cho cuộc sống hàng ngày.

Một trong những cơ sở bánh phồng sữa nổi tiếng về quy mô sản xuất, thu hút lao động – việc làm, có nhiều sản phẩm tiêu thụ khắp khu vực phía Nam là cơ sở Quang Long tại ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp. Theo ông Lê Minh Thiện, chủ cơ sở Quang Long, cơ sở tạo công ăn việc làm thường xuyên cho vài chục lao động với mức thu nhập bình quân 5 – 6 triệu đồng/ người/tháng. Những ngày cao điểm sản xuất cung ứng thị trường Tết tăng lên khoảng 30 lao động.

Cơ sở Quang Long của ông Lê Minh Thiện trung bình mỗi ngày tiêu thụ 600 kg khoai mì nguyên liệu chưa kể các phụ gia khác đủ sản xuất ra khoảng 6.000 cái bánh. Tại đây, sản xuất hai loại bánh phồng sữa gồm bánh phồng sữa lá dứa và bánh phổng sữa trắng mè. Sản phẩm được đóng trong bao bì mẫu mã đẹp với quy cách 10 cái bánh/mỗi bao. Giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/10 cái bán sỉ tại cơ sở.

Ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão, không khí làm việc tại cơ sở Quang Long nhộn nhịp. Cả dây chuyền lao động cứ thế làm không ngơi tay. Người cười, người nói, xôn xao cả một vùng quê.

Ngày trước, bánh phồng sữa Cái Bè sản xuất theo phương thức thủ công, lao động tay chân là chủ yếu. Hiện nay, nghề làm bánh phồng truyền thống ở Cái Bè đã có nhiều thay đổi sâu sắc với sự ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất. Điển hình như áp dụng máy móc, cơ giới hóa các khâu công việc giúp tăng năng suất, giải phóng sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia thị trường vửa đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Tại cơ sở Quang Long, ông chủ Lê Minh Thiện đã đầu tư trên 600 triệu đồng mua sắm thiết bị, máy móc cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
"Ngày nay, ngành nghề truyền thống; trong đó có nghề làm bánh phồng sữa Cái Bè phải chuyển đổi theo cơ chế kinh tế thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mới có thể phát triển bền vững", ông Lê Minh Thiện chia sẻ.

Đó cũng là lý do bánh phồng sữa do cơ sở Quang Long sản xuất khẳng định được thương hiệu của mình, thị trường ưa chuộng và tín nhiệm. Trong những ngày Tết, sản phẩm được đưa đi tiêu thụ khắp các nơi, được người tiêu dùng ưu tiên chọn làm quà biếu tặng hoặc không thể thiếu trong các mâm cỗ của không ít gia đình Nam bộ ngày tất niên.
Còn nhìn chung, hiện danh tiếng của bánh phồng Cái Bè đang ngày càng vang xa bởi chất lượng thơm ngon, được tiêu thụ một cách rộng rãi ở thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, là đặc sản của huyện vùng đầu nguồn sông Tiền mà du khách mỗi khi có dịp về đây đều mua làm quà biếu cho bạn bè, người thân khi tham quan hoặc thời điểm năm hết, Tết đến. Gần đây, sản phẩm của làng nghề bánh phồng Cái Bè còn được xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bánh phồng Cái Bè được các thương lái đặt hàng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Lao động tại các cơ sở sản xuất trong làng nghề tất bật không khí lao động, làm không ngơi tay bởi nhu cầu người tiêu dùng thời điểm này rất cao.

Lãnh đạo huyện Cái Bè cho biết, để bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề bánh phồng, địa phương đang tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giao thương, lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn phát triển làng nghề bánh phồng với khai thác tiềm năng du lịch sinh thái tại địa phương. Từ đó, tạo thành chuỗi những điểm đến hấp dẫn, khó quên mỗi khi du khách về tham quan trong khuôn khổ các tour du lịch sinh thái tại vùng đầu nguồn sông Tiền Cái Bè (Tiền Giang) như: Làng cổ Đông Hoà Hiệp, chợ Nổi Cái Bè, làng nghế bánh phồng...

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm