Làm giàu nhờ mô hình liên kết trồng na theo quy trình VietGAP

Công đoạn sơ chế quả Na Vietgap trước khi đóng gói tại Công ty cổ phần Natani (Tây Ninh). Ảnh: Thanh Tân -TTXVN
Công đoạn sơ chế quả Na Vietgap trước khi đóng gói tại Công ty cổ phần Natani (Tây Ninh). Ảnh: Thanh Tân -TTXVN

Từ lâu, quả na Bà Đen được nhiều du khách biết đến khi đến tham quan, du lịch tại núi Bà Đen Tây Ninh, cũng như tại các hội chợ thương mại trong nước, bởi nổi tiếng với quả to, thịt dai, có vị ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng không phải nơi nào cũng có được.

Làm giàu nhờ mô hình liên kết trồng na theo quy trình VietGAP ảnh 1Công đoạn sơ chế quả Na Vietgap trước khi đóng gói tại Công ty cổ phần Natani (Tây Ninh). Ảnh: Thanh Tân -TTXVN

Mặc dù cây na quanh núi Bà Đen có thể cho trái quanh năm do vùng thổ ngưỡng, khí hậu đặc trưng (không khí thay đổi giữa ngày và đêm rõ rệt, ban ngày nắng nóng và gió; ban đêm không khí lạnh, kèm nhiều sương mù) và đã được cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2011, xem là loại trái cây đặc sản tại địa phương, nhưng người nông dân trồng na quanh núi Bà Đen Tây Ninh vẫn bấp bênh, bởi cảnh được mùa mất giá, được giá lại mất mùa.

Ông Nguyễn Xuân Năm, ngụ ấp Phước Hòa, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, gia đình ông có hơn 2 ha trồng na đã nhiều năm và đây cũng là nguồn sống chính của gia đình.

Thế nhưng trước đây, ngoài nỗi lo về giá bán na không ổn định, dễ dẫn đến thua lỗ khi canh tác, thì người nông dân còn phải lo về thị trường đầu ra, bởi phần lớn phụ thuộc vào thương lái thu mua. Người nông dân không biết bám víu vào đâu, chỉ biết trông vào phận may rủi của thị trường, cũng như tự mình tìm tòi, học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm canh tác để cho ra sản phẩm tốt nhất.

Ông Nguyễn Xuân Năm cùng nhiều bà con trồng na quanh núi Bà Đen đã nhận thấy được sự bấp bênh của cây na khi canh tác riêng lẻ, tự phát. Bởi quả na là loại trái khó tính, nếu canh tác manh mún nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống sẽ không phòng được dịch bệnh, dẫn tới việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chưa kể, một số ít nông dân thấy cái lợi trước mắt đã sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng để tạo dáng, tạo màu cho trái, rất đẹp về hình thức nhưng bên trong phần thịt na rất dễ bị hư hỏng, khi trái chín dễ nũng da, chảy nước khiến người mua cũng ngán ngại.

“Ban đầu, tôi cũng như nhiều bà con ở đây lo ngại việc sản xuất na "sạch" vì chi phí đầu tư cao, dẫn đến sản phẩm bán ra giá cao, khó tiêu thụ, nên cũng rất ngần ngại tham gia. Nhưng thấy được xu hướng thị trường ngày càng chọn các sản phẩm sạch, an toàn nên 2 năm nay tôi và bà con nơi đây đã mạnh dạn tham gia vào chuỗi sản xuất na theo quy trình VietGAP của Công ty cổ phần Natani (Natani). Qua sản xuất cho thấy năng suất cây na vẫn đảm bảo, giá cả đầu ra ổn định. Cụ thể giá cả đã thoả thuận từ trước, đến ngày thu hoạch, nhà vườn đem sản phẩm lên giao cho Natani rồi nhận tiền. Hiện nay, quả na được Natani bao tiêu giá từ 30.000 - 45.000 đồng mỗi kg tùy loại; đợt tết này Natani đã tăng thêm 10% giá, dự kiến vụ này mỗi ha tôi sẽ có lãi trên 200 triệu đồng”, ông Năm phấn khởi cho biết.

Làm giàu nhờ mô hình liên kết trồng na theo quy trình VietGAP ảnh 2Ông Nguyễn Xuân Năm ở ấp Phước Hoà, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu chăm sóc vườn na theo quy trình VietGap. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Nói về hành trình lấy lại danh tiếng quả na Bà Đen, ông Nguyễn Thế Tân - Giám đốc Công ty cổ phần Natani cho biết, năm 2016, ông cùng các cộng sự là những người có tâm huyết và am hiểu về quả na địa phương, nên đã bắt tay vào xây dựng quy trình canh tác quả na “sạch”, đảm bảo tươi, ngon, bắt mắt, nhưng không mất đi bản chất của quả na Bà Đen truyền thống.

Theo đó, để tìm ra quy trình trồng na hiệu quả, Natani dành nhiều thời gian đến thăm quan học tập kinh nghiệm sản xuất tại nhiều địa phương canh tác hiệu quả, cũng như sang các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới để học hỏi. Sau khi có quy trình, Natani tiếp tục thuê đất của nông dân để trồng na thử nghiệm, thuê kĩ sư chăm sóc, khi kết quả như ý muốn Natani mới phối hợp với nhà vườn tạo thành một chuỗi liên kết; trong đó Natani sẽ cung cấp kỹ thuật cũng như quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ vi sinh nhằm bảo đảm chất lượng, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cây na và cải tạo đất, phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững.

Ngoài việc giúp nông dân xây dựng hệ thống tưới tự động, các kĩ sư của Natani còn hướng dẫn bà con nông dân về kĩ thuật bao trái, một trong những yếu tố sống còn với quả na, đồng thời bao tiêu cho bà con nông dân. Đến nay, Natani đã giúp hàng trăm bà con trong vùng kết hợp cùng Natani xây dựng được vùng nguyên liệu trên 300 ha theo quy trình VietGAP. Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, sản phẩm na Bà Đen của Natani còn được xuất khẩu sang Singapore, các nước khu vực Bắc Mỹ và Trung Đông. Năm 2021, sản phẩm na Bà Đen của Natani được tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Làm giàu nhờ mô hình liên kết trồng na theo quy trình VietGAP ảnh 3Kỹ sư nông nghiệp và nông dân trồng na theo quy trình VietGap trao đổi kinh nghiệm canh tác tại vườn Na thuộc ấp Phước Hoà, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, na Bà Đen là một trong những loại trái cây rất nổi tiếng và không phải bất cứ vùng đất Tây Ninh nào cũng trồng được loại na ngon như vậy. Tuy nhiên để quả na Bà Đen giữ vững được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, những năm gần đây ngành nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng na thực hiện theo quy trình nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn.

“Chúng ta biết na là loại cây trồng có rất nhiều sâu bệnh, đặc biệt là riệp sáp, ruồi vàng đục trái… nếu chúng ta sản xuất không đúng cách thì buộc phải sử dụng nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nên cần có một quy trình truy xuất nguồn gốc cho quả na và hiện nay có một số hợp tác xã đã làm được, trong đó Natani là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc liên kết với nông dân sản xuất quả na sạch, đóng gói đưa ra thị trường. Ngoài ra, Natani còn chú trọng đến việc chế biến các sản phẩm từ quả na như: Na sấy, nước ép na… để giải quyết những quả na không tiêu thụ được kịp lúc. Tôi cho rằng bước đi như vậy là hoàn toàn đúng đắn, giúp cho quả na Tây Ninh đi xa hơn, trên thị trường tiêu thụ được nhiều hơn và giá bán cũng tốt hơn, giảm nguy cơ được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Xuân nhận định thêm.

Tính đến hiện tại, Tây Ninh có gần 10.000 ha chuyên canh trồng na. Quả na Bà Đen vốn nổi tiếng ngọt thanh, hương vị thơm ngon, thịt dai, quả lại to tròn đẹp mắt nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Phạm Thanh Tân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm