Lâm Đồng khai thác, phát huy các nguồn lực phát triển du lịch nông thôn

Lâm Đồng khai thác, phát huy các nguồn lực phát triển du lịch nông thôn

Ngày 26/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã đề xuất kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn 2023 - 2025 với tổng kinh phí 22,5 tỷ đồng.

Lâm Đồng khai thác, phát huy các nguồn lực phát triển du lịch nông thôn ảnh 1Huyện Đam Rông (Lâm Đồng) là 1 trong 62 huyện khó khăn nhất cả nước, ngành sản xuất chính là trồng trọt, chăn nuôi. Địa hình dốc và có nhiều vùng bị chia cắt mạnh đã tạo cho vùng đất này có nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ, là những cảnh quan du lịch rất hấp dẫn. Trong ảnh: Con đường gỗ để cho du khách đi bộ trong khu du lịch Suối khoáng nóng Daana ở huyện Đam Rông. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Chương trình nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của địa phương gắn với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của tỉnh, tạo sự chuyển biến mới trong phát triển du lịch, xây dựng Lâm Đồng trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách và chất lượng. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn nhằm tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng cung cấp dịch vụ.

Theo Chương trình, địa phương đặt mục tiêu hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, chuẩn hóa từ 1 - 2 điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề và môi trường sinh thái. Tỉnh ưu tiên tập trung tại địa bàn nông thôn có tiềm năng phát triển mạnh về du lịch như: thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, các huyện Lạc Dương, Lâm Hà.

Tỉnh phấn đấu xây dựng ít nhất 15 sản phẩm du lịch trải nghiệm quy trình sản xuất và chế biến một số nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với mô hình nghỉ dưỡng sinh thái, các tài nguyên thiên nhiên sẵn có tại các vùng nông thôn; phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn cấp tỉnh; xây dựng thí điểm ít nhất 5 mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Để đạt các mục tiêu nêu trên, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức 8 lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, hành động cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch ở các cấp; phấn đấu 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch; mỗi điểm du lịch có ít nhất một nhân viên thành thạo ngoại ngữ; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn. Kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn ngân sách của địa phương theo phân cấp quản lý hiện hành; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư cho nông thôn, từ nguồn huy động xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Nguyễn Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm