Cao Bằng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên mà còn thu hút bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Văn hóa truyền thống đang dần trở thành thế mạnh để ngành du lịch Cao Bằng khai thác, phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt…
Cao Bằng là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống với trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số. Các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn bó lâu đời và cùng xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô…, mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa riêng, tạo nên bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú, trở thành tiềm năng du lịch to lớn của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 214 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 98 di tích đã được xếp hạng các cấp, gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh; có 2 bảo vật quốc gia. Năm 2018, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được Tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu. Bên cạnh đó, tỉnh còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng, gồm nhiều loại hình, từ lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đến phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian...
Hiện nay, Cao Bằng có 6 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ Then của người Tày, Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa; Nghề rèn truyền thống của người Nùng An xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa; Lễ hội Tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa; Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ, huyện Nguyên Bình; Lượn Cọi dân tộc Tày, huyện Bảo Lâm. Đặc biệt, di sản thực hành Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng) đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, Cao Bằng đã triển khai hỗ trợ, vận động đồng bào phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Điển hình như 7 hộ dân ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình. Từ năm 2020 đến nay, các hộ này đã đầu tư, kinh doanh dịch vụ homestay phục vụ du khách. Bà con nơi đây rất hào hứng tham gia vào các hoạt động biểu diễn văn nghệ truyền thống, nấu ăn, hướng dẫn du khách trải nghiệm sinh hoạt lao động sản xuất…
Không chỉ tại xóm Hoài Khao, nhiều điểm DLCĐ khác ở Cao Bằng cũng đang hoạt động hiệu quả như: Bản du lịch cộng đồng của dân tộc Lô Lô ở xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc; Điểm du lịch cộng đồng Phja Thắp ở xã Quốc Dân, huyện Quảng Hòa; Điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa; Điểm du lịch cộng đồng Lũng Niếc, Làng đá Khuổi Ky ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh…
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Cao Bằng đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách gần xa, góp phần phát triển DLCĐ, giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người Cao Bằng thân thiện, mến khách.
Quốc Đạt
Báo in T12.2025