Chiều 27/12, tại thành phố Đồng Hới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu chủ trì, phối hợp Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Lai Châu - Quảng Bình năm 2024. Sự kiện có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Du lịch, đơn vị hoạt động du lịch tại các tỉnh Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Trà Vinh và Quảng Bình.
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu Trần Quang Kháng nhấn mạnh, đây là dịp để các doanh nghiệp lữ hành có thêm thông tin về điểm đến, dịch vụ tại Lai Châu. Từ đó, xây dựng chương trình tour kết nối, trao đổi nguồn khách đến và đi giữa các tỉnh Quảng Trị - Quảng Bình - Hà Tĩnh - Nghệ An - Lai Châu và ngược lại trong thời gian sớm nhất. Qua đó ngành du lịch 5 địa phương xây dựng mối liên kết, hợp tác trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước.
Thông tin về điểm đến, dịch vụ du lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, Lai Châu là địa phương sở hữu cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, những cung đường huyền thoại, những đỉnh núi cao thuộc tốp đầu của Việt Nam và Đông Nam Á: Đỉnh Pu Si Lung cao 3083m, đỉnh Pu Ta Leng cao 3049m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao 3046m… với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phong phú trong biển mây bồng bềnh.
Lai Châu đã có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây, khu du lịch Cổng Trời, khu hang động Pusamcap, điểm du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên nóc nhà Đông Dương” gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao tại bản Sì Thâu Chải, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (đoạt giải bản du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023). Đây còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia Bia đá cổ khắc ghi bài thơ trấn giữ biên cương của Vua Lê Thái Tổ; bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của 20 dân tộc cùng sinh sống; là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng SaPa và Điện Biên Phủ...
Lai Châu có trên 133 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 33 khách sạn từ 1 sao đến 3 sao, với trên 1.200 phòng); 148 nhà hàng với nhiều món ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và hệ thống mạng di động 4G, cáp quang, internet tốc độ cao được phủ sóng trên 8/8 huyện, thành phố, 100% xã, phường, thị trấn.
Các đại biểu trao đổi giải pháp đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch vào thị trường khách tại Quảng Bình và khu vực miền Trung - Nam Bộ; xây dựng sản phẩm, tour du lịch thu hút khách tại thị trường Quảng Bình và miền Trung - Nam Bộ đến với Lai Châu. Đồng thời giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp tham dự Hội nghị liên quan đến thị trường du lịch Lai Châu.
Bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2024, lượng khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt khoảng 5,2 triệu lượt. Theo quy hoạch Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt, điểm đến đáng trải nghiệm hàng đầu cho khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.
Với tài nguyên, định hướng phát triển du lịch bền vững của Lai Châu, Quảng Bình và các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, hội nghị là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch các địa phương kết nối, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch, chương trình tham quan hấp dẫn cho du khách trongthời gian tới. Doanh nghiệp Quảng Bình tích cực tham gia hoạt động, chia sẻ, kết nối cùng doanh nghiệp du lịch Lai Châu và các tỉnh cùng phối hợp quảng bá, đặt mối quan hệ hợp tác cho các hoạt động kinh doanh thời gian tới.
Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình ký biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch; Hiệp hội Du lịch tỉnh Lai Châu và Hiệp hội Du lịch Quảng Bình ký biên bản thỏa thuận hợp tác.
Tá Chuyên