Liên kết phát triển du lịch Bắc Kạn và các tỉnh Chiến khu Việt Bắc

Ngày 27/4, tại Bắc Kạn, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, UBND tỉnh Bắc Kạn và Viện Kinh tế - Văn hóa (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo "Liên kết phát triển du lịch Bắc Kạn và các tỉnh Chiến khu Việt Bắc".

toan-canh-6283.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: baobackan.vn

Tham dự hội thảo có: Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh cùng lãnh đạo cơ quan của Quốc hội, cán bộ quản lý các bộ, ngành, tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh trong Chiến khu Việt Bắc; chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định, tăng cường liên kết vùng và nội vùng là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng trong quá trình phát triển đất nước nhằm khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương trong từng vùng; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chiến khu Việt Bắc nằm trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đây là khu vực gồm 6 tỉnh với bề dày truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, ngay sát Thủ đô Hà Nội, có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Khu vực này có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những giá trị văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, là nguồn lực, lợi thế to lớn để phát triển du lịch...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh, liên kết phát triển du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, có nhiều ý nghĩa quan trọng với doanh nghiệp, người dân và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở 6 tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cho rằng, từ khi triển khai Chương trình hợp tác phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc, hoạt động du lịch ở mỗi tỉnh có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của cả vùng cũng như ở mỗi tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc nói chung, Bắc Kạn nói riêng. Đây là dịp để nhiều nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý, doanh nghiệp ở Trung ương và các tỉnh vùng Việt Bắc đánh giá hiện trạng, tiềm năng, thế mạnh, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất chính sách, giải pháp để xây dựng, phát triển du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị, các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch tỉnh tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, đề xuất, kiến nghị; đồng thời, tham khảo kinh nghiệm, cách làm hay mà các đại biểu đã đề cập để vận dụng, phát triển du lịch Bắc Kạn có trọng tâm, trọng điểm.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng đánh giá: Hội thảo đã tập trung được trí tuệ, nhiệt huyết và sự quan tâm đầy trách nhiệm của các đại biểu. Các ý kiến tham luận và phát biểu đều tập trung vào chủ đề chính liên kết du lịch Bắc Kạn và các tỉnh Chiến khu Việt Bắc; trong đó nhấn mạnh, làm rõ thêm 6 vấn đề. Cụ thể là: Tổng quan một số vấn đề lý luận về liên kết phát triển du lịch, du lịch hoài niệm chiến khu - một thế mạnh đặc trưng về sản phẩm du lịch của các tỉnh Chiến khu Việt Bắc, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế về liên kết phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; thực trạng.

Các đại biểu cũng xác định định hướng, giải pháp liên kết phát triển du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc; tổng quan về các chính sách phát triển du lịch và liên kết phát triển du lịch, công tác quảng bá, xúc tiến, quy hoạch và đầu tư quy hoạch phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc; giải pháp xây dựng các mô hình du lịch bền vững vùng Chiến khu Việt Bắc...

Những ý kiến tham luận, phát biểu, chia sẻ của các đại biểu là tài liệu, kinh nghiệm quý, căn cứ quan trọng để Viện Kinh tế, Văn hóa và Ban Chủ nhiệm Đề tài Liên kết phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện hướng phát triển dựa trên khai thác giá trị tài nguyên, thế mạnh, đặc sắc để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc thù, hoàn thiện mô hình phát triển du lịch bền vững. Ban tổ chức cũng bổ sung, hoàn thiện các giải pháp, kiến nghị chính sách tăng cường hoạt động liên kết trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù chung toàn vùng Chiến khu Việt Bắc...

Sơn Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm