Nhằm tôn vinh thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho” trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 345 năm đô thị Mỹ Tho (1679 - 2024) gắn với xúc tiến du lịch và chào đón năm mới Ất Tỵ 2025, chiều 27/12, tại Công viên Tết Mậu Thân, UBND thành phố Mỹ Tho tổ chức khai mạc Lễ hội hủ tiếu Mỹ Tho với chủ đề “Tinh hoa từng sợi gạo”.
Đây là lần đầu tiên thành phố Mỹ Tho tổ chức Lễ hội hủ tiếu nhằm quảng bá, vinh danh thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho” là một món ngon đặc trưng của thành phố; đồng thời góp phần tôn vinh nghề làm bánh hủ tiếu truyền thống nổi tiếng của địa phương.
Lễ hội diễn ra từ ngày 27- 31/12/2024, với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, hứa hẹn thu hút đông đảo du khách. Các hoạt động tiêu biểu như: Vinh danh “Quán hủ tiếu Mỹ Tho uy tín, chất lượng”; triển lãm “Giữ lửa làng nghề”; tham quan không gian trải nghiệm làng nghề, không gian hủ tiếu Mỹ Tho; trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương; hội thi cắt hủ tiếu; trao tặng xe hủ tiếu khởi nghiệp,…
Tại Tiền Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hủ tiếu Mỹ Tho là món ngon mang đậm nét đặc trưng của địa phương và khá phổ biến, gắn liền với sự hình thành, phát triển của đô thị Mỹ Tho (Mỹ Tho đại phố), nay là thành phố Mỹ Tho - đô thị loại I trực thuộc tỉnh Tiền Giang.
Từ rất lâu, hủ tiếu Mỹ Tho đã được biết đến, yêu thích khi nói về đặc trưng ẩm thực vùng sông nước Nam Bộ nói chung, là món ngon không chỉ với người địa phương mà còn ghi dấu ấn trong lòng các du khách phương xa mỗi dịp đến tham quan thành phố Mỹ Tho.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, tô hủ tiếu Mỹ Tho đặc sắc do hội tụ nhiều yếu tố, từ công thức chế biến đến cách thưởng thức, trong đó góp phần không nhỏ vào sự độc đáo của món ăn là sợi hủ tiếu được làm từ những hạt gạo trắng ngần vùng quê Gò Cát (xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho). Gạo Gò Cát ngon nổi tiếng, là yếu tố làm ra những sợi bánh hủ tiếu ngon lành nhất trong tô hủ tiếu Mỹ Tho mà thực khách thưởng thức.
Gắn với sự nổi tiếng của hủ tiếu Mỹ Tho là hai làng nghề: Mỹ Phong và phường 9 (thành phố Mỹ Tho). Đây là hai làng chuyên làm hủ tiếu, bún cung ứng ra thị trường, mỗi ngày xuất ra hơn 40 tấn hủ tiếu nguyên liệu phục vụ chế biến món hủ tiếu Mỹ Tho đặc sắc.
Bên cạnh đó, sợi bánh hủ tiếu qua tay các bà, các chị nội trợ hay những chuyên gia ẩm thực của địa phương còn được "biến hóa" thành các món ăn không kém phần nổi tiếng khác như: Hủ tiếu sa tế, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu hải sản, hủ tiếu chay, hủ tiếu xào… thơm ngon mà du khách nào đã dùng qua một vài lần sẽ khó quên được hương vị.
Qua Lễ hội hủ tiếu Mỹ Tho lần này, thành phố Mỹ Tho mong muốn xây dựng thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho” như một nét đặc trưng về văn hóa ẩm thực, góp phần hình thành sản phẩm du lịch của thành phố bên bờ sông Tiền có 345 năm hình thành và phát triển (1679-2024). Từ đó, lan tỏa niềm tự hào và ý thức trách nhiệm, duy trì chất lượng để giữ gìn, phát triển thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho” cũng như phát huy nghề truyền thống làm bánh hủ tiếu, bún địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn mới.
Minh Trí