Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), được triển khai trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ năm 2019 theo Quyết định 836/QĐ-UBND ngày 31/7/2019 của UBND tỉnh Lai Châu. Sau 4 năm thực hiện, tỉnh Lai Châu đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng mang nét đặc trưng, lợi thế của tỉnh. Qua đó, góp phần mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để đưa các nông sản vươn ra thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững.
Khơi dậy tiềm năng
Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, có diện tích tự nhiên trên 9.000 km2; trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm 58%. Toàn tỉnh có gần 470 nghìn người, trên 82% người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Những năm qua, Lai Châu luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm và tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp. Hiện nay tỉnh Lai Châu đang chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Tại huyện Than Uyên, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít ở bản Khoang, xã Mường Mít đã chú trọng đầu tư, phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Hợp tác xã được thành lập từ đầu năm 2022 với 9 thành viên. Ngay sau khi thành lập, hợp tác xã đã ứng dụng khoa học công nghệ đầu tư xây dựng nhà xưởng kiên cố và sử dụng máy hạ thủy phân nhằm lọc sạch cặn bẩn, nhộng, sáp ong và tách nước, đảm bảo thu được sản phẩm mật ong nguyên chất. Đây cũng là cơ sở đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lai Châu ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại sản xuất mật ong, nhằm đảm bảo sản phẩm mật ong cung cấp ra thị trường đạt tiêu chuẩn 3 không (không chất bảo quản, không phụ gia, không hương liệu), có thể lưu trữ, bảo quản lâu dài.
Chị Lò Thanh Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít chia sẻ, dù mới thành lập nhưng hợp tác xã đã xây dựng thành công sản phẩm mật ong Thanh Xuân, tạo được uy tín trên thị trường. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ vào khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản, hợp tác xã còn chú trọng xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm và tận dụng các nền tảng công nghệ số quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu đến người tiêu dùng.
Hiện nay, hợp tác xã có 200 thùng ong với 100% giống ong tự nhiên đưa về thuần hóa. Năm 2022, hợp tác xã đã đưa ra thị trường hơn 2.000 lít mật, bán với giá 150.000 đồng/lọ 350ml, tạo thu nhập ổn định cho mỗi hộ gia đình liên kết từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Đặc biệt, cuối tháng 11 vừa qua, sản phẩm mật ong Thanh Xuân đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là động lực để Hợp tác xã và bà con nhân dân Mường Mít tiếp tục liên kết xây dựng và phát triển mật ong Thanh Xuân nhằm vươn ra thị trường.
Chú trọng nâng cao giá trị
Cùng với việc xây dựng sản phẩm OCOP, các cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nhằm tạo thương hiệu, uy tín và chỗ đứng trên thị trường. Điển hình như Cơ sở sản xuất Đông trùng hạ thảo SUKOVA tại thành phố Lai Châu.
SUKOVA được thành lập từ đầu năm 2020 với ý nghĩa “sức khỏe vàng”. Đến cuối năm 2020, sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên sợi đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên, để nấm đông trùng hạ thảo đạt chất lượng và có nguồn nhân giống tốt, cơ sở đã mua giống ở Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, sau đó tự nhân giống.
Chị Phạm Thị Thư, chủ cơ sở sản xuất cho biết, quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo đòi hỏi kĩ thuật tỉ mỉ và trải qua nhiều công đoạn. Quá trình nuôi phải được cấy trong phòng tiêu chuẩn, bảo đảm đầy đủ các điều kiện về vệ sinh, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, hạn chế thấp nhất vi khuẩn gây hại xâm nhập. Năm 2022, cơ sở sản xuất tiếp tục nghiên cứu và ra mắt sản phẩm hoa thảo khô thuần chay. Sản phẩm vừa được UBND tỉnh Lai Châu công nhận OCOP 3 sao bởi được kết hợp nhiều dinh dưỡng từ cây dược liệu có sẵn tại Lai Châu như sâm, đương quy, mắc ca...
Hiện nay, tùy từng thời điểm cơ sở sản xuất từ 20 - 50kg đông trùng hạ thảo khô/tháng và chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Về giá các sản phẩm, đối với hoa thảo khô thuần chay được bán từ 2,5 - 3 triệu đồng/lạng; đông trùng hạ thảo khô nguyên sợi từ 2,5 - 3 triệu đồng/lạng và đông trùng hạ thảo tươi từ 120 - 200 nghìn đồng/hộp.
"Để sản phẩm vươn xa ra thị trường, cơ sở sản xuất mong muốn tỉnh Lai Châu tiếp tục hỗ trợ, quảng bá, xúc tiến sản phẩm lan tỏa rộng ra thị trường; tổ chức nhiều hơn nữa các buổi hội trợ theo hướng liên kết giữa các tỉnh để tạo cơ hội mở rộng khách hàng”, chị Thư cho biết thêm.
Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho hay, OCOP là quá trình thực hiện lâu dài và không có điểm dừng. Vì vậy, sau khi các sản phẩm OCOP được công nhận, sở tiếp tục chỉ đạo các chủ thể duy trì chất lượng, không ngừng cải tiến bao bì, nhãn mác và mở rộng kết nối tiêu thụ sản phẩm. Sở Nông nghiệp tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các chủ thể OCOP để mở rộng cơ sở chế biến, sản xuất, cải tiến bao bì, nhãn mác nhằm phát triển sản phẩm lên 4 đến 5 sao để xuất khẩu. Từng bước để sản phẩm OCOP thực chất là của người dân góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.
Xác định việc phát triển sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, những năm qua tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ các cá nhân, tổ chức xây dựng sản phẩm. Năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, quy định cụ thể các nội dung hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP, gồm hỗ trợ chi phí hoàn thiện hồ sơ; hỗ trợ chi phí thiết kế, in, mua bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm và nhà kho, nhà xưởng; thưởng cho chủ thể tham gia Chương trình OCOP có sản phẩm được công nhận; hỗ trợ chi phí xây dựng hoặc thuê điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Song song đó, tỉnh còn tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP tại các hội nghị, hội chợ kết nối nông sản tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và các sự kiện quan trọng của tỉnh. Đến nay, các sở, ngành của tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ trên 10 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm trên môi trường kinh doanh trực tuyến. Theo đó, có 60 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tư nhằm kết nối tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 229 sản phẩm của 99 chủ thể đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Sau 6 đợt tổ chức bình chọn, phân hạng, kết quả, Lai Châu có 158 sản phẩm OCOP của 94 chủ thể được công nhận 3 sao (147 sản phẩm), 4 sao (11 sản phẩm). Trong số sản phẩm 4 sao, có 2 sản phẩm tỉnh đã chấm 5 sao và đã trình Hội đồng Đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương đánh giá: sản phẩm Trà OOLong và Trà Đông Phương Mỹ Nhân của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải khẳng định, thời gian qua, tỉnh Lai Châu làm tốt việc tuyên truyền, giúp các chủ thể định hướng phát triển sản phẩm, hỗ trợ về xây dựng hồ sơ, cung cấp các thông tin ra thị trường, hỗ trợ các chủ thể thông qua các chính sách hỗ trợ. Nhờ vậy, các sản phẩm OCOP được đánh giá cao không chỉ thị trường trong nước, mà còn vươn ra thị trường nước ngoài.
Việt Hoàng