Ngay sau khi hoàn thành sản xuất vụ Mùa, tỉnh Lai Châu đã chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, đôn đốc nông dân tập trung gieo trồng và chăm sóc các loại cây vụ Đông, bảo đảm điều kiện thuận lợi để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con.
Tại xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, những ngày này, trên các cánh đồng thuộc bản: Tân Bắc, Liên Hợp, Nà Ún, Sơn Hà, nông dân đang tất bật ra đồng trồng, chăm sóc cây vụ Đông. Cả cánh đồng được phủ kín màu xanh của các loại rau màu. Mấy năm nay, Pắc Ta được biết đến là một trong những xã có diện tích trồng rau màu nhiều nhất huyện Tân Uyên.
Gia đình chị Lò Thị Sâm, ở bản Nà Ún, xã Pắc Ta năm nay trồng 2.000m2 cây bí và cây ớt. Để cây vụ Đông phát triển xanh tốt, chị Sâm chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp. Đồng thời, chú ý đề phòng sâu bệnh và gia súc, gia cầm vào phá hoại.
Đến nay, 1.500m2 ớt đang sinh trưởng phát triển tốt, một số cây đã ra hoa. Còn 500m2 bí xanh do trồng sớm nên đã cho thu hoạch 4 lứa, thu về gần 18 triệu đồng. Dự kiến đến cuối năm, vườn còn thu hoạch thêm 2 lứa bí xanh. Trừ chi phí, mỗi vụ trồng bí xanh, gia đình chị Sâm thu lãi từ 14-15 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Hiện nay, nhiều hộ dân xã Pắc Ta tận dụng diện tích đất vườn, đất cấy lúa trên chân ruộng một vụ để trồng cây vụ Đông, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Ông Lê Việt Vương, Chủ tịch UBND xã Pắc Ta cho biết, là địa phương có một số diện tích đất bằng phẳng, màu mỡ phù hợp trồng cây rau màu. Vì vậy, xã vận động bà con thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Đến nay, xã có 25ha rau màu gồm: ớt, bí xanh, cải thảo, cà chua, dưa chuột. Những năm qua, sản phẩm rau màu của địa phương không chỉ bán trong huyện mà còn được các thương lái thu mua phục vụ cho thị trường Sa Pa, Hà Nội, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.
Tương tự, hàng năm khi đến vụ Đông, gia đình bà Ngô Thị Bắc ở tổ dân phố 32, thị trấn Tân Uyên lại tích cực làm đất trồng khoảng 3.000m2 rau màu. Sau một thời gian xuống giống, hiện nay diện tích rau đã lên tốt, hàng ngày bà cùng gia đình tích cực chăm bón, tưới nước để nhanh được thu hoạch. Bà Bắc chia sẻ, trồng rau có vất vả hơn, nhưng bù lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trồng ngô, lúa.
Bà chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày để sớm thu hoạch và tiếp tục trồng gối lứa tiếp theo. Vì vậy, năm nào bà cũng có rau bán vào dịp Tết Nguyên đán. Trong thời gian trồng rau vụ Đông, gia đình đều được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên, kế hoạch năm 2022, toàn huyện có 365ha rau, đậu các loại. Riêng cây rau màu vụ Đông có khoảng 60ha tập trung nhiều nhất ở xã Pắc Ta, thị trấn Tân Uyên. Để đảm bảo cây vụ Đông phát triển và đem lại hiệu quả, phòng đang đôn đốc người dân tích cực chăm sóc, bón phân cho cây vụ Đông.
Đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đảm bảo năng suất, sản lượng đã đề ra. Cùng đó, vận động các xã, thị trấn chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón để trồng rau sạch, an toàn sinh học... nâng cao thu nhập cho người nông dân trên một đơn vị diện tích canh tác.
Tại huyện Tam Đường, những ngày đầu tháng 12, trên khắp các cánh đồng, nông dân huyện Tam Đường đang vào vụ thu hoạch cây rau vụ Đông. Sau thu hoạch, bà con tiếp tục luân canh, gối vụ để kịp phục vụ khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Bà con chuyên canh, gối vụ rau màu theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.
Xã Bình Lư hiện có 46ha rau màu với sản lượng 121 tấn/năm; trung bình 1.000m2 rau màu các loại sẽ cho thu nhập từ 200 - 500 nghìn đồng/ngày. Các hộ sản xuất rau xanh trên địa bàn xã không lo đầu ra cho sản phẩm, bởi các thương lái đến tận vườn đặt mua để cung cấp cho thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), các huyện Tân Uyên, Than Uyên và thành phố Lai Châu. Nhờ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương từ trồng rau màu theo hướng hàng hóa.
Tận dụng thổ nhưỡng, khí hậu, những năm gần đây, nông dân huyện Tam Đường phát triển rau màu theo hướng hàng hóa, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao giá trị cây trồng. Huyện, khuyến khích người dân thâm canh, gối vụ cây rau ngắn ngày như: dưa leo, hành, tỏi, bí xanh, ớt, mướp đắng, cà chua… nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, nâng cao thu nhập.
Hiện huyện có 260ha rau màu, năng suất đạt 4 tấn/ha/vụ. Với 1ha rau màu, mỗi năm, bà con thu lãi trên 70 triệu đồng. Đến nay, Tam Đường đã hình thành được vùng phát triển sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa tại các xã: Bình Lư, Bản Bo, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường.
Vụ Đông năm 2022, Lai Châu ước trồng hơn 1.000 ha rau màu các loại tập trung chủ yếu tại các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên. Để cây trồng vụ Đông sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất, chất lượng, tỉnh Lai Châu chỉ đạo các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn và nông dân tập trung chăm sóc, thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu, bệnh phát sinh, có biện pháp phòng trừ kịp thời, phù hợp.
Đồng thời, chủ động triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân sản xuất vụ Đông theo chủ trương của tỉnh và địa phương.
Mặt khác, các địa phương tiếp tục triển khai thí điểm các mô hình cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương, trên cơ sở xác định cây trồng phù hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Đinh Thùy