Bài 1: Tự hào Thành phố Hồ Chí Minh
Kỳ họp Quốc hội khoá VI tổ chức từ ngày 24/6 đến ngày 3/7/1976 đã quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trong đó có vấn đề đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một quyết định không chỉ có ý nghĩa tôn vinh, ghi nhớ công lao của Bác Hồ mà còn đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào miền Nam nói chung, nhân dân Sài Gòn - Gia Định nói riêng. Đồng thời, đánh đấu một cột mốc quan trong trong quá trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với tên Bác.
Một góc bến cảng Nhà Rồng. Ảnh: Đình Huệ- TTXVN |
Nhắc lại thời khắc đặc biệt đó, không ít người trong cuộc, chứng kiến sự kiện này vẫn còn in đậm trong tâm chí của mình. Tham gia cách mạng và có mặt tại Sài Gòn ngày giải phóng, ông Phạm Chánh Trực , nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, vẫ n nhớ như in không khí ngày đó: “Thành phố tưng bừng không khí lễ hội. Vui lắm, bởi mọi người đã trải qua một khoảng thời gian quá dài của chiến tranh mới giành lại được sự thống nhất non sông. Và khi Thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu là một sự tự hào to lớn, không chỉ cho người dân thành phố mà là nhân dân của cả nước".
Khi Quốc hội thông qua việc đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dân thành phố rất vui mừng và tự hào. Theo ông Phạm Chánh Trực, họ đã hy sinh xương máu để giải phóng thành phố, giải phóng đất nước, nay thành phố đã được vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu là một cảm xúc đặc biệt, vui mừng tột bậc. Trong kháng chiến, cả miền Nam luôn mong muốn Bác Hồ về thăm nhưng rồi Bác đã ra đi khi nước nhà chưa thống nhất. Do vậy, việc được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là niềm vui của người dân thành phố, mà các địa phương miền Nam cũng như cả nước rất ủng hộ vì Thành phố có đóng góp rất lớn, đi đầu trong đấu tranh cách mạng, là nơi “đi trước về sau”.
Là đại biểu Quốc hội khóa từ khóa VI đến khóa XI, với bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, kỳ Quốc hội khóa VI đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Đây là kỳ họp Quốc hội mang tính lịch sử sâu sắc, ghi dấu ấn chiều dài lịch sử đất nước, đó cùng là niềm vinh dự lớn lao của người đại biểu Quốc hội trẻ được đưa cánh tay lên biểu quyết những vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu nhớ lại, cùng với các quyết định về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới, thủ đô, thì vấn đề chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh cũng được các đại biểu thông qua với sự đồng thuận rất cao.
Nhớ rõ không khí của kỳ họp lúc bấy giờ, bà Nguyễn Thị Hoài Thu kể lại: “Khi Quốc hội đưa vấn đề chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến biểu quyết của đại biểu, toàn Hội trường Ba Đình ngày đó là những cánh tay biểu quyết thống nhất với quyết định này. Bởi, đối với mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ là điều thiêng liêng nhất, Người luôn trong tim của mỗi người dân khắp mọi miền đất nước, cũng chính tại thành phố này Người đã ra đi bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc Việt Nam, vậy thì hà cớ gì mà thành phố lại không mang tên Bác”.
Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhìn từ trên cao. Ảnh: Mạnh Linh- TTXVN |
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ: Sinh thời, Bác Hồ luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Quyết định đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh cũng phần nào thể hiện được tình cảm sâu sắc mà Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam; đó cũng là tình cảm tì nh cảm yêu quý nhất, kính trọng, niềm thương nhớ của đồng bào miền Nam đối với Người.
Càng vinh dự hơn khi ít người biết rằng, vấn đề đặt tên này đã được nhiều người nhắc tới từ kỳ Quốc hội đầu tiên của nước ta, năm 1946. “Chính Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đề nghị và tự xem mình được vinh dự mang tên “Thành phố Hồ Chí Minh” từ ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công; các đại biểu Quốc hội khóa I từ Nam bộ, đã kiến nghị tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội về nguyện vọng thiết tha này”, ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí Thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Sau niềm vui được mang tên người cha già của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy đã phải trở lại thực tế với nhiều khó khăn chồng chất, bắt tay ngay vào công cuộc khắc phục hậu quả sau chiến tranh với khí thế mới. Chứng kiến những khó khăn của thành phố thời điểm này, ông Phạm Chánh Trực cho biết, những năm cuối chiến tranh, nạn đói hoành hành tại nhiều nơi và kéo dài sau ngày giải phóng; lính rã ngũ, cán bộ của chính quyền cũ còn lại khá đông… dẫn tới trình trạng thất nghiệp tràn lan. Một số lượng rất lớn thanh niên thất nghiệp, cả hàng triệu người trong tổng số 4 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó. Tình hình khá căng thẳng, bốn vấn đề lớn mà thành phố phải giải quyết gồm: thành lập chính quyền cách mạng để ổn định tình hình; ổn định dân sinh, chăm lo cho cuộc sống nhân dân, cứu trợ nạn đói. Trong đó, thành phố đã mở kho quân nhu để phát gạo cứu đói; giải quyết nạn thất nghiệp để xóa nạn đói; khôi phục lại nền kinh tế, vốn đang bị đình trệ.
Với sự hỗ trợ của chính quyền, nhất là phát gạo cứu đói, người dân rất vui mừng để cùng thành phố vượt qua khó khăn. Là Bí thư Thành đoàn lúc đó, ông Phạm Chánh Trực chia sẻ, cùng với các tổ chức, đơn vị khác thực hiện chủ trương của Thành ủy, Thành đoàn đã đứng ra tổ chức lực lượng thanh niên xung phong ra vùng ngoại thành, các tỉnh lân cận để khai phá đất đai hoang hóa, khôi phục lại sản xuất, trồng trọt… Hơn 10.000 thanh niên xung phong ra quân khi đó với tinh thần rất quyết tâm và đoàn kết. Điều này đã tạo ra cách nhìn mới cho người dân, nhất là những người dân từng sống trong chế độ cũ. Họ đã nhìn thấy sự thay đổi, từ thành phố chiến tranh, ăn bám vào viện trợ, đã tự lực tự cường để nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế. Từ đó, những thành kiến cũ dần được xóa bỏ.
Sau chiến tranh, việc khôi phục lại sản xuất là rất vất vả. Lúc này trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu còn thiếu thốn khiến các nhà máy không hoạt động đúng công suất, đình đốn, dẫn đến tình trạng thất nghiệp nhiều. Trước tình hình đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trương xoay chuyển tình hình bằng cách vay tiền, vàng trong nhân dân để mua vật tư, nguyên liệu. Đây được xem là cách làm sáng tạo, manh nha cho đổi mới của Thành phố nói riêng và đất nước nói chung cho những năm tháng sau này./.