Kỷ niệm 105 năm ngày sinh bác sĩ Trần Duy Hưng: Nhớ về vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô Hà Nội

Kỷ niệm 105 năm ngày sinh bác sĩ Trần Duy Hưng: Nhớ về vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô Hà Nội
* Vị Chủ tịch đầu tiên và lâu nhất

Trần Duy Hưng, sinh ngày 16-1-1912, tại thôn Hòe Thị (làng Canh), xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, trong một gia đình trung lưu, nền nếp. Ông là con trai cả trong gia đình có 8 người con, nhưng ông và các em đều được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn, đều đỗ đạt thành tài. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bác sĩ Trần Duy Hưng tham gia lao động tại Công viên Thống Nhất. Nguồn ảnh: internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bác sĩ Trần Duy Hưng tham gia lao động tại Công viên Thống Nhất. Nguồn ảnh: internet

Tiếp thu nền giáo dục gia phong, nề nếp của gia đình từ nhỏ nên Trần Duy Hưng có lòng yêu nước từ rất sớm. Vốn là người cần cù, thông minh và học giỏi, Trần Duy Hưng chọn nghề y nối nghiệp gia đình. Tại Trường Y, ông học cùng lứa với những tên tuổi nổi tiếng như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Ngữ...
 
Năm 30 tuổi, ông đã trở thành bác sĩ rồi cùng em gái mở một bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm. Nổi tiếng về chuyên môn nhưng điều ông được đồng nghiệp và người dân Hà Nội thời đó yêu quý nhiều hơn bởi tấm lòng đức độ của một người thầy thuốc sẵn sàng cưu mang và cứu giúp dân nghèo. 

Tại cơ sở chữa bệnh của mình, bác sĩ Trần Duy Hưng đã cứu giúp và chở che nhiều cán bộ Việt Minh giữa vòng vây của kẻ thù, trong đó có Văn Cao, Nguyễn Đình Thi... Lòng yêu nước của vị bác sĩ danh tiếng đó ngày càng sâu sắc rồi biến thành hành động khi ông tự nguyện làm cơ sở bí mật của Đảng trong những ngày trước Cách mạng tháng Tám.

Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời bác sĩ Trần Duy Hưng làm Thị trưởng Hà Nội. Đảm đương chức vụ giữa bối cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng cùng với sự lãnh đạo của Thành ủy, Thị trưởng Trần Duy Hưng đã bắt tay giải quyết nhiều việc cấp bách lúc đó là giải quyết nạn đói, diệt giặc dốt và chống giặc ngoại xâm. Thành công lớn nhất của bác sỹ Trần Duy Hưng khi làm Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội thời kỳ 1945-1946 là tập hợp được các tầng lớp nhân dân Thủ đô dưới ngọn cờ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bác sĩ Trần Duy Hưng cùng gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ suốt thời kì kháng chiến chống Pháp, rồi sang làm Thứ trưởng Bộ Y tế một thời gian ngắn đầu năm 1954. 

Sau ngày 10-10-1954, bác sĩ Trần Duy Hưng trở về Hà Nội và sau đó lần thứ hai ông lại được tín nhiệm giữ cương vị người đứng đầu thành phố cho đến tận năm 1977.

Ông là người đi đầu trong mọi phong trào, đã dẫn dắt thành phố đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc. Mọi hoạt động công thương nghiệp, chăn nuôi và ngay cả trồng rau xanh luôn đi đầu cả nước. Hà Nội cũng là nơi đầu tiên có mô hình nhà lắp ghép rồi từ đó nhân ra các tỉnh. Khi hàng hóa khan hiếm trong chiến tranh chống Mỹ, ông đã để cho tư nhân sản xuất thủ công một số mặt hàng thiết yếu trở lại.

Ông còn là vị Chủ tịch với tầm nhìn của tương lai. Suốt trong thời gian làm Chủ tịch, quy hoạch tổng thể thành phố luôn được tôn trọng. Ông đã từng gợi mở ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố “soi bóng sông Hồng”, biến con sông thành một tài nguyên cảnh quan, du lịch vô giá...

* Người lãnh đạo gần dân, yêu dân

Trong suốt thời gian đảm đương chức vụ Chủ tịch Thành phố Hà Nội, ông đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Thủ đô. Nét đặc biệt của Chủ tịch Trần Duy Hưng trong rất nhiều năm ông không dùng lái xe, mà tự lái xe đi làm, tự viết các bài diễn văn, tự giao tiếp với người nước vì ông thông thạo nhiều ngoại ngữ. Là trí thức đầu đàn, ông hiểu rõ giá trị của tầng lớp trí thức nên ông vận động và tận dụng triệt để chất xám của trí thức tư sản tham gia chính quyền, sử dụng kinh nghiệm và trí tuệ của họ vào công cuộc phát triển thành phố.

Trần Duy Hưng là một người sống giản dị, một lãnh đạo gần dân, sát dân, ông luôn có mặt ở những địa bàn nóng bỏng để chia sẻ, động viên nhân dân. Ông có mặt động viên kịp thời người dân trên chính các khu phố bị bom Mỹ tàn phá trong sự kiện lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972. Hình ảnh vị Chủ tịch thành phố xông vào khói bom cùng tham gia cứu hộ, dập lửa đã trở thành hình ảnh thân quen, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để làm nên kỳ tích lịch sử của Hà Nội trong những ngày bom đạn đó. 

Ngày ông mất, lẫn trong đoàn quan khách trong và ngoài nước đưa ông về nơi yên nghỉ cuối cùng, còn có rất đông những người công nhân, dân nghèo thành thị và ngoại thành đến đưa ông - một người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội trong nỗi tiếc thương vô hạn. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về ông: "Một con người của nhân dân, vì nhân dân; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập, noi theo".

Để ghi nhớ công lao đóng góp của ông cho Thủ đô, năm 2005, Đảng, Nhà nước đã truy tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh. Tên của ông cũng được đặt cho một đường phố mới của Hà Nội như một sự tri ân lớn lao của người dân Thủ đô với vị Chủ tịch đầu tiên đầy mẫu mực.

Có thể bạn quan tâm