Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua các Nghị quyết với các đề án, chương trình triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và một số nội dung quan trọng khác. Trong đó, đáng chú ý có Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, thống nhất xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch thành phố với tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 1.508 tỷ đồng. Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, 2 khán phòng và được xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2), thực hiện trong giai đoạn năm 2018 - 2022.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN |
Nghị quyết này nêu rõ, việc xây dựng công trình cần có thiết kế độc đáo, hài hòa với các sự án khác trong khu vực, kết hợp quy hoạch công viên cây xanh liền kề để tạo cảnh quan, không gian mở cho nhà hát; thiết kế các khu chức năng của nhà hát phải đảm bảo công năng và hiệu quả sử dụng đạt tiêu chuẩn quốc tế, mang tính biểu tượng và tạo điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố, xứng tầm khu vực. Công trình góp phần nâng cao chất lượng biểu diễn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của người dân và tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Về sự cần thiết đầu tư xây dựng công trình này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đây vào thời Pháp thuộc, thành phố có 3 nhà hát Nhà hát là Nhà hát Opera (nay là Nhà hát thành phố), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố nhưng hiện chỉ còn Nhà hát thành phố còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa. Các nhà hát được xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp và không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi biểu diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, thành phố đặt mục tiêu xây dựng một công trình văn hóa văn nghệ chuyên ngành, hiện đại, xứng tầm với một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn của đất nước và là một trong những công trình thiết chế văn hóa mới tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định vị thế của thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với lãnh đạo thành phố tại kỳ họp. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN |
Cùng với đó, các đại biểu dự kỳ họp HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông qua Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện đề án Chương trình sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn thành phố. Đề án góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học. Theo đó, đối tượng thụ hưởng của đề án là trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 tại các trường công lập, ngoài công lập và các lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn. Về cơ chế tài chính thực hiện, ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% và phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Riêng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và trẻ em, học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%. Tại kỳ họp này, các đại biểu cũng đã thông qua một số Nghị quyết như về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố; quyết định phân cấp ủy quyền; quyết định bán đấu giá tài sản trên đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố… Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của UBND thành phố trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Kỳ họp lần này tiếp tục thông qua một số Nghị quyết nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 54; các nội dung được xem xét quyết định tại kỳ họp lần này đều là những vấn đề quan trọng với sự phát triển của thành phố, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.
Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN |
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá, tuy đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả ban đầu nhưng nhìn chung công tác triển khai một số Nghị quyết của HĐND thành phố còn chậm, nhiều việc chưa đồng bộ, một số đề án chất lượng chưa cao.
HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung cao độ, hoàn thành các báo cáo, đề án, tờ trình đảm bảo chất lượng, kịp thời trình HĐND trong kỳ họp thường lệ cuối năm 2018 của HĐND thành phố. Những Nghị quyết đã được HĐND thành phố thông qua cần được thực hiện khẩn trương, hiệu quả.
HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung cao độ, hoàn thành các báo cáo, đề án, tờ trình đảm bảo chất lượng, kịp thời trình HĐND trong kỳ họp thường lệ cuối năm 2018 của HĐND thành phố. Những Nghị quyết đã được HĐND thành phố thông qua cần được thực hiện khẩn trương, hiệu quả.
HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố, các cấp, ngành có kế hoạch triển khai đồng bộ để đảm bảo Nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực; nhất là có giải pháp tạo nguồn để đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống của nhân dân; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời biểu dương những gương tốt và phát hiện những sai sót hạn chế để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Thu Hoài
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN