Xử lý rác thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ vi sinh có thể là giải pháp làm tăng hiệu quả xử lý rác, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ông Shimatani Keiji - Giám đốc công ty phân bón Kume có trụ sở tại tỉnh Hiroshima - cho biết lượng rác hữu cơ từ các nhà máy thực phẩm như đậu, trứng, thịt, sữa mà công ty này có thể xử lý hàng năm lên đến 350.000 tấn, cho ra khoảng hơn 25.000 tấn phân bón vi sinh hữu cơ thương phẩm. Lượng phân bón này chủ yếu được cung cấp cho Hiệp hội Nông nghiệp Nhật Bản (JA), các công ty nông nghiệp lớn và người nông dân để sử dụng cho các loại cây ăn quả như nho, cam quýt, dâu tây và nhiều loại rau như măng tây, hành...
Để có thể tạo ra thành phẩm thương mại, công ty Kume đã sử dụng rác thải thực phẩm từ các nhà máy trộn lẫn với các phụ phẩm như cành, lá cây nghiền nhỏ, sau đó sử dụng các chủng vi khuẩn hảo khí lên men ở nhiệt độ 90 độ C trong thời gian 2 tuần để tiêu diệt các vi sinh vật yếm khí có hại cho môi trường và sức khỏe con người. Lượng phân bón này tiếp tục được vận chuyển đến một nhà máy riêng biệt để tiếp tục lên men trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm trước khi đóng gói và bán ra thị trường. Các vi sinh vật hảo khí góp phần cải thiện môi trường vi sinh vật đất và tạo tơi xốp, giúp tiêu trừ các chất đạm, lân dư thừa, góp phần đáng kể trong việc giảm thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học trong canh tác nông nghiệp.
Tại Nhật Bản, quy định xử lý rác vô cùng chặt chẽ và khắt khe. Các nhà máy sản xuất thực phẩm phải tự xử lý hoặc liên kết với các công ty phân bón để xử lý khối lượng lớn rác thải ra hằng ngày. Các công ty sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh như công ty Kume có nguồn thu chính từ các hợp đồng xử lý rác thải với các nhà máy, nên có thể giảm giá thành sản xuất phân bón, góp phần tăng cường diện tích canh tác hữu cơ và giảm khí thải nhà kính từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Ông Shimatani Keiji cho rằng phân bón hữu cơ vi sinh sẽ không thay thế hoàn toàn phân hóa học mà sẽ được sử dụng kết hợp để cải tạo đất, hệ vi sinh vật, tăng sức chống chịu của cây trồng. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản trong chính sách quản lý và xử lý chất thải của các nhà máy chế biến thực phẩm, từ đó hình thành nhiều sản phẩm phân bón nội địa chất lượng và giá thành rẻ. Việc thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh có thể giúp Việt Nam gia tăng diện tích canh tác hữu cơ, nâng cao chất lượng và an toàn nông sản, cũng như giảm tỷ lệ khí thải CO2 và methane trong quá trình canh tác nông nghiệp.
Thanh Tùng - Đức Thịnh