Cần thực hiện đồng bộ và lên kế hoạch chi tiết trong tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn đến với từng người dân; tận dụng các sáng kiến, giải pháp linh hoạt phù hợp với từng địa phương, từng khu dân cư trong thi hành và giám sát việc phân loại rác tại nguồn. Đây là ý kiến của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền tại Tọa đàm "Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn" diễn ra ngày 30/8, do Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức.
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Trong đó, 13% rác thải được đốt, 16% được chế biến, khoảng 71% được chôn lấp. Theo Điều 26 của Nghị định số 45/NĐ-CP ban hành ngành 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng sẽ chính thức áp dụng kể từ ngày 1/1/2025. Đây là nội dung liên quan đến từng cá nhân, hộ gia đình trên cả nước nên cần có lộ trình rõ ràng và giải pháp thực hiện hiệu quả để đưa chính sách vào cuộc sống.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định rõ việc phân loại rác tại nguồn cụ thể tại khoản 1 điều 75 và đến ngày 1/1/2025 có hiệu lực để có lộ trình chuẩn bị. Rác thải cụ thể chia ra gồm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Ngày 10/1/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, theo đó các địa phương có trách nhiệm vận dụng phù hợp đối với các quy định về vận chuyển, thu gom rác thải rắn sinh hoạt. Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về việc phân loại rác tại nguồn, thực hiện phù hợp với hạ tầng kỹ thuật của từng địa phương. Do đó, các địa phương cần rà soát hạ tầng kỹ thuật, cần đầu tư làm sớm để có lộ trình thực hiện.
Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền, các địa phương có thể quy định chi tiết về kỹ thuật như người dân cần sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt phân loại theo màu để phân biệt. Thông tư 02/2022/TT-BTNMT cũng nêu rõ, về kỹ thuật màu sắc của túi đựng chất thải, các địa phương phải quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương đó. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy được 30 ý kiến từ các địa phương, trên cơ sở đó đang xây dựng tiêu chí cụ thể hướng dẫn cho các địa phương về nội dung trên.
Để phân loại rác thải rắn sinh hoạt thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện nội dung này. Trong đó, việc thực hiện truyền thông liên tục, có bài bản, đơn giản hóa nội dung và dễ hiểu đến với người dân là quan trọng.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền đưa việc phân loại rác vào chương trình dạy học trong sách giáo khoa cho học sinh nhiều lứa tuổi. Một số địa phương như thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế), Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chương trình, mô hình cụ thể như "Ngày chủ nhật xanh", "Ngày tái chế", "Chương trình sữa học đường cho em",.. tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là nâng cao ý thức để có những hành động cụ thể.
Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về: thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở nước ta hiện nay; khó khăn của việc triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; những điểm mới trong Nghị định số 45/2022/NĐ-CP; quy định phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại các địa phương; các giải pháp để người dân hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn.
Tiến sỹ Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, Nghị định 45/2022/NĐ-CP có những điểm mới như: quy định mức xử phạt vi phạm liên quan đến giấy phép xả thải, giấy phép môi trường, chất thải nguy hại, mảng xanh, quản lý đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu. Nghị định đã có những điều chỉnh hoàn thiện hơn về mức độ xử phạt, thẩm quyền xử phạt, phù hợp hơn vói thực tế cũng như đảm bảo khả năng thực thi.
Theo Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ngoài trách nhiệm của người dân trong phân loại rác, trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác cũng cần quan tâm. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, tham gia đấu thầu công khai, phải trang bị kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu đã đặt ra mới được thu gom, vận chuyển. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định đồng bộ, người dân phải trả tiền xứ lý rác chứ không phải nhà nước bao cấp hoàn toàn. Do đó, đơn vị thu gom phải đồng bộ về con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý. Đơn vị thu gom sẽ vừa phải cân đối chi phí, vừa phải thực hiện theo đúng quy định.
Có thể thấy, việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, phân loại rác giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực diện tích chôn lấp, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng tới cuộc sống xanh, bền vững.
Hoàng Nam