Đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Kiên Giang năm 2020 mới đây, tỉnh này công nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 - 4 sao đối với 18 sản phẩm toàn tỉnh; trong đó, có sản phẩm thùng sọt, giỏ xách cỏ bàng của xã Phú Lợi và sản phẩm túi xách, sọt cỏ bàng của xã Phú Mỹ thuộc huyện Giang Thành.
Tìm đến Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền ở xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang) có 2 sản phẩm thùng sọt cỏ bàng và giỏ xách cỏ bàng đạt hạng 4 sao, mới thấy những nông dân chân chất nơi vùng biên này “thổi hồn” vào những cọng cỏ bàng để thoát nghèo, vươn lên làm giàu rất đáng trân trọng. Từ những cọng cỏ bàng đứng trên đồng đất biên giới Giang Thành, qua sự cần cù lao động, sáng tạo với đôi tay khéo léo của các “nghệ nhân nông dân” đã trở thành những chiếc thùng, chiếc sọt, chiếc tụng, túi xách, giỏ xách, đệm bàng, vật dụng nội thất… rất đẹp mắt, sử dụng tiện lợi, thân thiện với môi trường.
Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền thành lập hơn 4 năm, với nghề chính là sản xuất các vật dụng từ cỏ bàng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: Thùng, sọt, túi xách, giỏ xách, nón, đệ bàng… giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động tại địa phương, với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, cơ sở này sản xuất hàng chục nghìn sản phẩm theo đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu ở thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Ngoài ra, một số công ty ở các tỉnh, thành khác đặt hàng cơ sở Toàn Tuyền sản xuất sản phẩm theo từng loại, mẫu mã phục vụ tiêu thụ trong nước.
Chị Trần Thị Mộng Tuyền, chủ Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền chia sẻ, cỏ bàng sau khi nhổ ngoài đồng đem về phơi khô, đan đát theo kích cỡ đặt hàng thu mua của cơ sở. Đây là nguồn nguyên liệu để cơ sở sản xuất ra những sản phẩm thủ công như: Thùng, sọt, tụng, túi xách, giỏ xách, nón…
"Nghề này giúp người dân có công ăn việc làm và thu nhập ổn định trong phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống. Vì sau khi sản xuất vụ mùa xong, người dân tranh thu thời gian nông nhàn để đan lát cỏ bàng, tăng thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình", chị Tuyền chia sẻ.
Sau khi thành lập, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành hướng dẫn cơ sở về kỹ thuật sản xuất sản phẩm, hỗ trợ 50% máy may công nghiệp để may sản phẩm. Việc cơ sở Toàn Tuyền có 2 sản phẩm thùng sọt cỏ bàng và giỏ xách cỏ bàng đạt hạng 4 sao giúp cơ sở sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên thị trường và khách hàng thuận lợi hơn.
Lãnh đạo huyện Giang Thành cho biết, nghề đan lát cỏ bàng huyện vùng biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang có từ lâu đời, tập trung ở 2 xã Phú Mỹ và Phú Lợi. Các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng, với rất nhiều loại sản phẩm như: Thùng, sọt, tụng, túi xách, giỏ xách, nón, túi thời trang, đồ gia dụng, trang trí nội thất… Các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng đẹp mắt, phù hợp với thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Những sản phẩm mỹ nghệ từ cỏ bàng này xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và châu Âu…
Nghề truyền thống đan cỏ bàng của huyện Giang Thành đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương vùng biên, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, với thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Đặc biệt, huyện có hàng trăm “nghệ nhân nông dân” lành nghề, khéo nghề thành thạo kỹ thuật đan túi xách, giỏ xách, nón và những sản phẩm cao cấp khác theo xu thế thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.
Lãnh đạo huyện Giang Thành cho hay, để phát triển bền vững, khai thác hiệu quả kinh tế nghề truyền thống đan cỏ bàng trước mắt cũng như lâu dài, huyện tập trung đầu tư toàn diện cho các làng nghề truyền thống, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng “ăn nên, làm ra” tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Huyện xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, tiếp tục giới thiệu, quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường, nhất là ở các nước phát triển đang rất ưa chuộng loại sản phẩm, vật dụng làm từ cỏ bàng này để tăng sản lượng sản phẩm xuất khẩu, tiếp tục liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Cùng với đó, huyện Giang Thành mời gọi thu hút đầu tư phát triển làng nghề đan cỏ bàng truyền thống kết hợp với du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm “xanh” thân thiện môi trường, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Huyện liên kết với doanh nghiệp, đào tạo, xây dựng đội ngũ “thợ” thiết kế chuyên nghiệp để hướng dẫn người dân sản xuất những sản phẩm cao cấp từ cỏ bàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách cũng như tăng giá trị sản phẩm.
Lê Huy Hải