Những ngày qua, du khách trong và ngoài tỉnh đổ về Khu du lịch sinh thái Cồn Vành khá đông. Trong ngày, số lượng khách tăng từ thời điểm đầu giờ chiều trở đi. Không chỉ thu hút khách du lịch là người trong tỉnh mà còn có nhiều đoàn du khách đến từ các tỉnh như Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội…
Bãi biển của Khu du lịch sinh thái Cồn Vành rộng, tương đối bằng phẳng nên an toàn cho du khách tắm biển. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN |
Chị Nguyễn Duyên Hương (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cho biết: Tiêu chí của gia đình đi du lịch biển trong ngày với chi phí tiết kiệm nhưng phải đảm bảo vui, bổ ích và được tắm biển. Vì thế gia đình đã chọn Cồn Vành để nghỉ ngơi, tắm biển. Trong dịp hè này, gia đình sẽ còn về đây nhiều lần nữa.
Khu du lịch sinh thái Cồn Vành có bãi biển đẹp cùng triền cát trải dài gần 7km. Ảnh: Xuân Tiến |
Điều ấn tượng với du khách khi đến với khu du lịch sinh thái Cồn Vành không chỉ được vui chơi, tắm biển, nghỉ dưỡng mà còn được tận hưởng những món thủy sản tươi ngon, có nguồn gốc nuôi trồng từ chính các vùng ao, đầm của người dân sống lân cận quanh khu du lịch.
Một góc bãi biển trong khu du lịch sinh thái Cồn Vành. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN |
Để bảo vệ môi trường thiên nhiên, Ban quản lý khu du lịch đã xây dựng nội quy quy định đối với du khách khi đến tham quan nghỉ mát. Ban quản lý đã thành lập những tổ, đội thu gom rác hàng ngày. Điều đặc biệt hơn, nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn huyện Tiền Hải cũng tự nguyện phối hợp với nhân viên Ban quản lý khu du lịch về thu gom rác trong những ngày cuối tuần.
Cồn Vành thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển khu vực châu thổ sông Hồng). Năm 1995, cùng với Cồn Thủ, Cồn Vành được quy hoạch vào khu Ramsar đầu tiên của khu vực Đông Nam Á... Khu du lịch sinh thái Cồn Vành nằm trong khu vực Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (còn gọi là Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng), thuộc địa giới ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận vào năm 2004./.