Thời gian qua, trên một số website và mạng xã hội liên tục rao bán online sản phẩm hạt điều Bình Phước. Điều đáng nói, trong khi nhiều người ứng dụng công nghệ và internet để giúp tiêu thụ nông sản, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương, thì cũng có những người vì lợi nhuận trước mắt mà bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; làm sai lệch chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước” gây tổn hại đến thương hiệu hạt điều Bình Phước vốn được đánh giá là “ngon nhất thế giới”.
Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước cho biết, thời gian qua nhiều tài khoản trên mạng facebook và một số website đăng thông tin bán sản phẩm hạt điều có chỉ dẫn “Bình Phước” với những nội dung như: 6 hộp điều bể, trọng lượng 3 kg bán với giá 100.000 đồng; hay 3 hộp điều còn vỏ lụa, trọng lượng 1,5 kg giá 100.000 đồng…
Theo bà Đào Thị Lanh, sau khi xác minh thông tin, Hội Điều Bình Phước khẳng định những sản phẩm rao bán trên không phải là hạt điều có nguồn gốc Bình Phước mà là hạt điều nhập khẩu vụ cũ đã kém chất lượng. Ngoài ra, những sản phẩm này có nhiều hạt sâu, mốc nhân trong, nhân teo, không còn mùi vị đặc trưng của nhân điều, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trong khi đó, chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước” đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ theo Quyết định số 673/QĐ-SHTT ngày 13/3/2018. Do đó, Hội điều Bình Phước cho rằng, việc rao bán trên mạng với chỉ dẫn “điều Bình Phước” gây ảnh hưởng đến thương hiệu “hạt điều Bình Phước” và quyền lợi nông dân cũng như doanh nghiệp điều trên địa bàn, đồng thời gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm hạt điều kém chất lượng.
Trong thời gian vừa qua, nhất là qua 2 đợt thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, có nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã sử dụng các kênh bán hàng online để giúp tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương; đồng thời, góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vùng miền. Tuy nhiên, đó là những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm được thu mua từ người trồng điều ở Bình Phước và đảm bảo chất lượng.
Một hội viên Hội Phụ nữ xã Đường 10, huyện Bù Đăng (Bình Phước) cho biết, những nông sản mà một số chị em bán trên mạng phải là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng. “Thông qua bán hàng online, không những vừa giúp tiêu thụ nông sản cho nông dân, vừa tạo công ăn việc làm và thu nhập cho chị em trong những ngày nông nhàn”, một hội viên Hội phụ nữ xã Đường 10 cho biết.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, diện tích cây điều của tỉnh hiện nay khoảng 170.000 ha, với sản lượng 243.000 tấn/năm. Việc canh tác và chế biến hạt điều đã giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động tại các vùng nông thôn.
Theo đánh giá của Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và ngành muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chất lượng và hương vị là hai thế mạnh của điều Việt Nam so với hạt điều có xuất xứ từ các quốc gia khác, nhất là từ châu Phi. Riêng hạt điều Bình Phước được đánh giá là có chất lượng vượt bậc so với điều của các quốc gia khác với giá trị dinh dưỡng cao.
Hiện nay, điều Bình Phước chiếm gần 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều của cả nước, do đó, Bình Phước được xem là “thủ phủ” điều của Việt Nam.
Theo UBND Bình Phước, dự kiến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hạt điều của tỉnh đạt khoảng 800 triệu USD, đến năm 2025 là 900 triệu USD, đến năm 2030 sẽ đạt 1 tỷ USD.
Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, bà Đào Thị Lanh cho rằng, việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu “hạt điều Bình Phước” đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cũng chính là góp phần phát triển bền vững ngành sản xuất, chế biến và kinh doanh hạt điều của Bình Phước.
Theo đó, Hội Điều Bình Phước cũng đã đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước” để xử lý theo quy định của pháp luật với các hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý này.
Sỹ Tuyên