Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm mô hình chăn nuôi bò BBB của gia đình anh Vũ Kim Tuyền ở xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì (Hà Nội). |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình chăn nuôi Trang trại Xanh tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội). |
Hà Nội là thủ đô và cũng là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng trong top đầu của cả nước với tổng đàn bò trên 129.500 con (trong đó bò sữa khoảng 15.700 con), đàn trâu hơn 25.000 con, đàn lợn trên 1,8 triệu con, đàn gia cầm các loại khoảng 30 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt khoảng 435.000 tấn. Hà Nội đã hình thành và phát triển 15 vùng chăn nuôi tập trung gồm: 2 vùng chăn nuôi bò sữa (Ba Vì, Gia Lâm), số lượng gần 11.000 con; 4 vùng chăn nuôi lợn (tại các xã Cổ Đông, Kim Sơn thuộc thị xã Sơn Tây; các xã Sơn Công, Vạn Thái thuộc huyện Ứng Hòa; các xã Yên Bình, Thạch Thất thuộc huyện Thạch Thất; các xã Tân Ước, Kim Thư thuộc huyện Thanh Oai), số lượng gần 200.000 con và 9 vùng chăn nuôi gia cầm (Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Đông Anh, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai và Sóc Sơn), số lượng 5,8 triệu con.
Hà Nội là thủ đô và cũng là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng trong top đầu của cả nước với tổng đàn bò trên 129.500 con. |
|
Chăn nuôi bò BBB đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân ở xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì (Hà Nội). |
|
Hà Nội phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30% tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi. |
Ngành chăn nuôi của Hà Nội đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 50% giá trị GDP sản xuất nông nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và các điều kiện vệ sinh, môi trường, Hà Nội có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư để đưa chăn nuôi thành ngành hàng chủ lực. Từ những năm 2011, Hà Nội đã có định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Sau khi có chủ trương, Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo định hướng sâu và rộng hơn nữa theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trang trại Hoa Viên ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội) là điểm sáng về mô hình nông nghiệp hữu cơ khép kín, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 1 vạn con lợn giống và hàng nghìn tấn lợn thương phẩm chất lượng cao. |
Thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển những giống mới có năng suất, chất lượng cao, các giống mới đưa vào chăn nuôi đã khẳng định được tính thích nghi và cho hiệu quả kinh tế cao như: bò thịt BBB, bò Wagyu, lợn nhập ngoại cao sản… Việc ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò, lợn và gà đã giúp cải tạo nhanh đàn giống của Hà Nội. Hiện nay, tỷ lệ lợn nái ngoại thuần và nái ngoại chiếm 86%, đàn lợn nái ngoại cao sản nhập từ Pháp, Đan Mạch cho năng suất sinh sản vượt trội; tỷ lệ đàn bò thịt được lai tạo giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh bò ngoại chất lượng cao như: bò Lai Sind, Brahman, BBB… đạt trên 90%. Với mong muốn đưa ngày càng nhiều giống bò chất lượng cao phục vụ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, từ năm 2017, Hà Nội đã nhập tinh bò thịt chất lượng cao (giống bò Wagyu) để đưa vào lai tạo. Đến nay, đã có trên 1.600 con bê lai F1 Wagyu đã được sinh ra, tập trung chủ yếu tại huyện Ba Vì.
Đàn bò 6 con giống Brahman thuần, nhập từ Úc về được công nhân Trung tâm giống và sữa bò Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) tắm rửa và hàng ngày phục vụ những bữa ăn tươi ngon, giàu chất dinh dưỡng.
|
Với khoảng 10 - 15 con bò đực, ước tính mỗi năm, Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội có thể sản xuất được 200.000 liều, khẳng định Hà Nội hoàn toàn tự chủ được nguồn tinh phục vụ phát triển chăn nuôi bò thịt.
|
Bể ổn nhiệt, tủ cân bằng lạnh và máy làm đông lạnh tinh. |
Năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tham mưu cho UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5818 về triển khai Dự án chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Trên cơ sở 11 mô hình chuỗi thực hiện theo Dự án, đến nay Hà Nội đã xây dựng, phát triển được 46 mô hình chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã giao Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội xây dựng giải pháp, lộ trình nhằm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trong đó đẩy mạnh ứng dụng mã QR code để thực hiện minh bạch thông tin điện tử cho các sản phẩm chăn nuôi. Hiện tại, đã có 7 chuỗi áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi bằng mã QR code, từ đó giúp minh bạch thông tin của các chuỗi, đồng thời giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường.
|
Hà Nội đã hình thành và phát triển 4 vùng chăn nuôi lợn tại các xã Cổ Đông, Kim Sơn thuộc thị xã Sơn Tây; các xã Sơn Công, Vạn Thái thuộc huyện Ứng Hòa; các xã Yên Bình, Thạch Thất thuộc huyện Thạch Thất; các xã Tân Ước, Kim Thư thuộc huyện Thanh Oai; với số lượng gần 200.000 con.
|
Các mô hình chuỗi liên kết đã giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bước đầu tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi Hà Nội phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.
Ngành chăn nuôi Hà Nội tiếp tục chuyển dịch đúng hướng từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung và trang trại. |
Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng kiểm soát giết mổ gia cầm, gia súc trên địa bàn Thủ đô. |
Là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi gia súc lớn, trong đó có bò sữa, những năm qua, tổng đàn bò sữa của huyện Ba Vì (Hà Nội) liên tục tăng, từ đó, giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giàu trên chính mảnh đất quê hương. |
Hội thi bò xã Minh Châu, huyện Ba Vì (Hà Nội) góp phần quảng bá, giới thiệu thành quả ngành chăn nuôi bò của Thủ đô trong những năm vừa qua. |
Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhận định, thời gian tới ngành chăn nuôi Thủ đô cần phát triển theo hướng nâng cao chất lượng con giống và theo quy hoạch. Cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, chế biến áp dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Xây dựng bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm gắn với mã truy xuất nguồn gốc, mã QR code. Hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng thời gắn cơ quan truyền thông và tổ chức đoàn thể vào việc đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Huy Đăng còn cho rằng, hiện tại ngành chăn nuôi Hà Nội còn thiếu nhiều doanh nghiệp chế biến sâu, chưa đa dạng hóa được sản phẩm và tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng. Vẫn còn thiếu những doanh nghiệp đầu tàu, kết nối người sản xuất với các thị trường tiêu thụ.…
* Ngành chăn nuôi Hà Nội - những kết quả đáng ghi nhận: - Chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại và gia trại. - Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống. Hàng năm, Hà Nội sản xuất 50.000 bê, bò giống; 250 nghìn lợn giống/năm; 70 triệu gà giống và trên 10 triệu vịt giống. - Phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, sinh học. Giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30% tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi. - Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Hà Nội đã có 46 mô hình chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất, chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. - Công tác phối hợp và kết nối tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh, giúp người tiêu dùng Thủ đô tiếp cận được các sản phẩm an toàn, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. |
Nguyễn Hoàng Thắng