Ngày 10/8, tại Khu hội chợ triển lãm, giao dịch Kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 và hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.
Với quy mô hơn 150 gian hàng của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất đến từ các vùng, miền trên cả nước. Tại phiên chợ trưng bày phong phú nhiều mặt hàng như nông, lâm, thủy sản, đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề nông thôn Việt Nam. Đặc biệt tại phiên chợ này có sự kết hợp với Tuần lễ quảng bá na, nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn tại Hà Nội.
Theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hàng năm, tỉnh Lạng Sơn đều tổ chức Ngày hội na thu hút được hàng trăm doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc đến tham quan khảo sát và ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hàng chục nghìn người tham dự, tham quan các vườn Na, thưởng thức hương vị quả na Chi Lăng, Lạng Sơn.
Tuy nhiên, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, việc kết nối giao thương giữa các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Việc tổ chức phiên chợ nông đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2022 sẽ kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh, cơ sở sản xuất kinh doanh của Lạng Sơn và Thủ đô Hà Nội.
Lạng Sơn phát triển các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Đến nay, tỉnh đã có gần 4.000 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ .... Đến với phiên chợ lần này tỉnh Lạng Sơn với 30 gian hàng của tất cả các huyện thành phố, đến giới thiệu hầu hết các sản phẩm đặc sản thế mạnh của Lạng Sơn.
Riêng về sản phẩm na, ông Lương Trọng Quỳnh cho biết, hiện nay tỉnh đã hình thành vùng sản xuất tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích năm trên 4.000 ha, với trên 1000 ha Na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Sản lượng na hàng năm đạt khoảng 40.000 tấn, giá trị sản xuất khoảng 1.200 tỷ đồng. Bình quân thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác na đạt 275 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, sản phẩm na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cấp chứng nhận được bảo hộ, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản "Na Chi Lăng" vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam; năm 2017, 2018, được tôn vinh "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam".
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngay từ khi đi vào hoạt động, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm na với các hộ thành viên của tổ hợp tác na Thượng Cường với diện tích gần 10ha.
Theo bà Nguyễn Thị Lý, trước đây, bà con trên địa bàn sản xuất nông sản thường theo hình thức tự sản xuất, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Điều này dẫn đến tình trạng đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh. Do đó, hợp tác xã đã chủ động đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định, phù hợp với giá cả thị trường.
Tại phiên chợ này, tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ giới thiệu, quảng bá một số nông sản đặc sản khác như: hoa hồi, rau đặc sản các loại (cải làn, cải ngồng, rau bò khai, rau sắng…), thạch đen, quýt, hồng vành khuyên... Đây là những sản vật đặc sản của tỉnh Lạng Sơn đã được xếp hạng OCOP 3 và 4 sao.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp kỳ vọng, hội chợ sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, địa phương quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; kết nối việc cung ứng, giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền vào các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phiên chợ còn là dịp để các địa phương, doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của doanh nghiệp và địa phương.
Phiên chợ sẽ diễn ra đến ngày 16/8/2022.
Bích Hồng