ILRI bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi

ILRI bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi

Ngày 23/2, một nhóm nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) có trụ sở tại thành phố Nairobi (Kenya) đã bắt đầu thử nghiệm 10 “ứng viên” vaccine nhằm giúp giảm tỷ lệ lợn chết do dịch tả lợn châu Phi (ASF).

Trưởng nhóm nghiên cứu, bà Lucilla Steinaa nhấn mạnh các cuộc thử nghiệm vaccine là bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới kiểm soát ASF. Dựa trên kiểu gene, khu vực đầu tiên được thử nghiệm vaccine là miền Trung và Đông Phi.

Nhóm nhà khoa học cho biết họ đang dùng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR nhằm rút ngắn thời gian cần thiết để phân lập các biến thể của virus từ 5 năm xuống còn hơn 1 năm, giúp đẩy nhanh quá trình bào chế vaccine. Ông Hussein Abkallo, nhà khoa học và là trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách CRISPR-Cas9 tại ILRI, cũng cho biết ngoài tác dụng đẩy nhanh tốc độ phát triển vaccine, công nghệ CRISPR có tiềm năng đáng kể để sản xuất vaccine ngừa các bệnh khác ở động vật như bệnh Theileria.

ASF là dịch bệnh lây lan xuyên biên giới, gây tỷ lệ chết cao ở lợn tới 100%. Bệnh được phát hiện lần đầu vào năm 1910 tại Kenya và từ đó lây lan khắp châu Phi, cũng như sang châu Á và châu Âu. Hiện ASF xuất hiện tại hơn 25 nước châu Phi và hơn 10 nước châu Á. Đáng chú ý, đợt bùng phát ASF tại Trung Quốc năm 2018 đã khiến 50% trong số 400 triệu con lợn tại nước này chết. Dù dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng nếu để lây nhiễm trên diện rộng, dịch bệnh sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến thị trường cũng như việc xuất khẩu thịt lợn. Giới khoa học đã nghiên cứu về ASF từ năm 2000, tuy nhiên chưa tìm ra một loại vaccine được chứng tỏ hiệu quả, an toàn và được cấp phép sử dụng trên thực tế.

Nguyễn Hằng 

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm