Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1 trong ngày tựu trường. Ảnh: Phương Vy/TTXVN
|
Thầy Trần Văn Kiều, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Chánh (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong tuần đầu tiên của năm học mới, các lớp 2 đến lớp 5 sẽ thực hiện ôn tập lại các kiến thức cũ và chủ yếu là rèn luyện nề nếp để ổn định tình hình lớp; còn lớp 1 là lớp đầu cấp nên nhà trường có các hoạt động để các em làm quen thầy cô, bạn bè, trường lớp. Chính thức từ ngày 22/8, học sinh của trường bắt đầu chương trình học của năm học mới.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, sau ngày tựu trường, các trường dành ít nhất một tuần để tổ chức các hoạt động đầu năm học, nhất là đối với các lớp đầu cấp học với các hoạt động giới thiệu trường, chương trình học... Cùng với đó, nhằm giảm áp lực về tài chính cho phụ huynh vào đầu năm học mới, sở đã yêu cầu các trường phải thông báo và niêm yết công khai các khoản thu đầu năm, không thu dồn gộp nhiều khoản vào một thời điểm, nhất là vào đầu năm học.
Năm học 2016-2017, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ chí Minh đề ra nhiều giải pháp đổi mới mang tính đột phá trong định hướng phát triển nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tải cho học sinh. Trong đó, ngành giáo dục và đào tạo thành phố thực hiện các nội dung như: xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng , chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với từng loại hình trường...
Đặt nhiều kỳ vọng vào những đổi mới của ngành giáo dục và đào tạo thành phố, cô Nguyễn Thị Xuân Thảo, giáo viên môn Lịch sử ở trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, cô mong muốn ngành giáo dục và đào tạo có sự đổi mới đồng bộ; cùng với việc đổi mới phương pháp dạy và học, cần đổi mới cách ra đề thi, kiểm tra, đánh giá học sinh.
Thực tế, giáo viên rất muốn dạy theo phương pháp mới, nhưng giáo viên cũng bị áp lực bởi cách ra đề hiện nay vẫn nặng về lý thuyết nhiều. Đối với môn Lịch sử, cần đổi mới phương pháp dạy và học cũng như kiểm tra theo hướng vận dụng kiến thức, tức là qua môn Lịch sử, học sinh học được điều gì, rút ra bài học gì cho bản thân chứ không nên theo hướng học thuộc lòng như hiện nay. Cùng với đó, cần chú ý tới chất lượng, không nên đặt ra những chỉ tiêu, thành tích, điểm số sẽ tạo áp lực cho cả học sinh và giáo viên.