Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010 – 2017”. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN. |
Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 21 dân tộc anh em sinh sống với dân số hơn 1,3 triệu người (năm 2016); trong đó, dân tộc Kinh chiếm 64,24%, dân tộc Khmer chiếm 30,71%, dân tộc Hoa chiếm 5,02%, còn lại 0,03% là các dân tộc khác. Nhìn chung, trong những năm qua, các chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi được tỉnh triển khai thực hiện tốt, tiêu biểu là các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số (từ 10.000 người trở lên) đều có trường phổ thông dân tộc nội trú.
Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã xây dựng mới 40 trường mầm non, đẩy mạnh phong trào phát triển trường chuẩn quốc gia và đảm bảo các chế độ chính sách cho giáo viên ở các vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ trẻ được huy động đến trường tăng hàng năm. Công tác dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số được tỉnh chú trọng, quan tâm, đẩy mạnh. Năm học 2017 – 2018, tỉnh Sóc Trăng có 158 trường dạy tiếng Khmer với hơn 1.670 lớp, trên 43.000 học sinh ở các cấp học. Thực hiện Nghị định 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính Phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, tỉnh đã giải quyết được vấn đề biên chế đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc trong các trường phổ thông có dạy tiếng dân tộc, đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN |
Ngoài việc đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, tỉnh Sóc Trăng còn tăng cường các điều kiện hỗ trợ hoạt động giáo dục và công tác quản lý ở các trường nội trú như: giáo dục văn hóa dân tộc và kiến thức địa phương, giáo dục kỹ năng sống và tâm lý học sinh, hướng dẫn tổ chức nội trú. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc thực hiện Nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Nghị định 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có sự chồng chéo nên tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định đối tượng được hưởng. Mạng lưới trường lớp còn manh mún, nhỏ lẻ; địa bàn rộng nên việc quản lý chưa sâu sát, việc thực hiện chi trả các chế độ chính sách còn chậm. Cơ sở vật chất ở một số trường nội trú chưa đáp ứng công tác dạy và học.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về một số hạn chế, vướng mắc và giải pháp trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn như: chi trả chế độ cho học sinh còn chậm, giải pháp giảm tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số bỏ học, tình hình thiếu sách giáo khoa, thiếu giáo viên mầm non.
Hoài Thu