Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng hạn hán, nông dân ở Bình Thuận đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác. Việc chuyển đổi đã hạn chế phần nào tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước sản xuất mà còn góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Đức Linh là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích trồng lúa sang trồng các cây trồng cạn như: đậu phộng, bắp, dưa hấu, rau các loại… Điển hình là mô hình trồng cây củ đậu ở xã Đức Tín.
Người dân ở đây cho biết, củ đậu là loại cây ngắn ngày, dễ trồng, ít phải đầu tư chăm sóc, ít sâu bệnh, có thể trồng được nhiều vụ trong năm, nhất là dùng làm cây trồng gối vụ hoặc luân canh trên những đồng ruộng cao nhưng không quá khô cằn. Việc chuyển đổi này không chỉ góp phần cải tạo đất cho mùa sau mà còn đem lại thu nhập cao cho người nông dân so với trồng lúa. Ban đầu chỉ có một số hộ dân chuyển đổi nhưng thấy hiệu quả rõ rệt nên nhiều hộ chuyển hướng làm theo. Đến Vụ Hè thu năm 2020, toàn xã đã có gần 80ha trồng cây củ đậu.
Chị Thẩm Thị Hằng, thôn 9, xã Đức Tín cho biết, trước đây, gia đình chủ yếu trồng cây lúa nhưng do thiếu nước, năng suất đạt thấp nên gia đình chuyển sang trồng cây củ đậu. Tùy vào thời tiết, mùa vụ, cây củ đậu sẽ cho thu hoạch sau khoảng 3 - 5 tháng. Với năng suất trung bình 4 tấn/sào với giá bán 4.000 đồng/ký, trừ chi phí, bình quân mỗi sào gia đình thu lãi 10 triệu đồng.
Hiện không chỉ củ đậu mà các loại cây trồng khác được chuyển đổi cũng đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa như: cây bắp tăng khoảng 3 – 5 triệu đồng/ha/vụ; các loại đậu tăng từ 5 - 10 triệu đồng/ha/vụ; rau các loại tăng từ 15- 20 triệu đồng/ha/vụ so với trồng lúa, cá biệt một số mô hình như: ớt xuất khẩu, hạt giống khổ qua… đem lại thu nhập cao hơn từ 30-40 triệu đồng/ha/vụ so với trồng lúa.
Ngoài huyện Đức Linh, các địa phương như: Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong… cũng thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cây trồng. Thống kê cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2020, toàn tỉnh Bình Thuận đã chuyển đổi hơn 19.700 ha từ trồng lúa sang gieo trồng cây hàng năm, chủ yếu chuyển đổi vụ Đông xuân.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, chuyển đổi từ đất trồng lúa sang sản xuất các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa trên cùng chân ruộng, cùng diện tích. Các loại cây trồng hàng năm được chuyển đổi trên đất lúa ngoài việc tiết kiệm nguồn nước tưới và đã đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa.
Mặt khác, đối với các vùng diện tích đất gò, đất cao thường xuyên thiếu nước và khó khăn trong điều tiết nước tưới, việc chuyển sang trồng các loại cây họ đậu, cây bắp nhằm nâng cao độ phì của đất. Đây là giải pháp quan trọng để tích ứng sản xuất trong điều kiện nắng hạn kéo dài, nguồn nước sản xuất bị hạn chế.
Cùng với các cây trồng ngắn ngày, Bình Thuận đã chuyển đổi hơn 790 ha từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm. Đối tượng được lựa chọn chuyển đổi chính là cây thanh long và cây dừa. Điều này không chỉ thay đổi nhận thức của người dân về thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, thay đổi tập quán sản xuất lúa sử dụng nhiều nước nhưng hiệu quả chưa có bước đột phá mà còn góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Ông Phạm Hữu Tiến, ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, cây thanh long phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Thêm vào đó, với việc chong đèn kích thích ra hoa trái vụ, cây có thể cho trái quanh năm theo ý muốn của người trồng.
Theo ông Tiến, trước đây, vì phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên nên sản xuất lúa không được thuận lợi, năng suất không như mong muốn. Sau nhiều năm chuyển sang trồng cây thanh long, thu nhập của gia đình có phần ổn định hơn trước, lợi nhuận thu về vài chục triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, mặc dù giá thanh long còn nhiều bấp bênh, nhất là vào chính vụ nhưng so cây lúa thì cây thanh long vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, với mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người dân và thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bình Thuận sẽ chuyển đổi khoảng 5.600 ha diện tích gieo trồng trên đất lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, người sử dụng đất được chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng khác phải đảm bảo các nguyên tắc không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại, không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa… Đồng thời, việc chuyển đổi phải phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây trồng khác hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã.
Hồng Hiếu