Hiệu quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Phú Thọ

Hợp tác xã chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn có 15 hộ tham gia sản xuất trên diện tích hơn 35 ha, đạt doanh thu 2,2 tỷ đồng/năm. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Hợp tác xã chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn có 15 hộ tham gia sản xuất trên diện tích hơn 35 ha, đạt doanh thu 2,2 tỷ đồng/năm. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Phú Thọ được phân bổ hơn 1.177 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 962 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 215 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau gần 3 năm triển khai, đến nay Chương trình đã giải ngân gần 332 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển gần 299 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 32,6 tỷ đồng). Đây là 1 trong 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện tại nhiều tỉnh trong cả nước, trong đó có Phú Thọ.

Hiệu quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Phú Thọ ảnh 1Hợp tác xã chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn có 15 hộ tham gia sản xuất trên diện tích hơn 35 ha, đạt doanh thu 2,2 tỷ đồng/năm. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Tại Phú Thọ, Chương trình được thực hiện trên địa bàn 58 xã, các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 5/13 huyện, thành thị gồm: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng và Thanh Thủy, trong đó ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn và xã Chương trình 229.

Bà Đỗ Thị Phương Hoa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện miền núi Thanh Sơn cho biết, Thanh Sơn có 32 dân tộc sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 62%, chủ yếu là dân tộc Mường, Dao. Giai đoạn 2022 và 2023, huyện được phân bổ 219 tỷ đồng để triển khai Chương trình. Đến nay, Chương trình đã thực sự phát huy hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6% (giảm 17% so với năm 2012)...

Trên thực tế, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực sự phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đây là lần đầu tiên có một chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ giai đoạn 2021-2030. Chương trình được xây dựng triển khai với 10 dự án thành phần, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Các nội dung của Chương trình mang tính chất tổng thể, bao phủ nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Cầm Hà Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết, năm 2022, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 1,38%, góp phần giảm mức tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 0,69%, vượt 38% so với kế hoạch. Dự kiến, hết năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh còn 1,3%.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, chương trình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ở nhiều dự án khi triển khai như ở dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”; dự án 2 về “quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết” hay định mức các nội dung đầu tư so với thực tế thực hiện còn thấp trong nội dung 1, tiểu dự án 1, thuộc dự án 4 “đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”… dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn của chương trình chậm so với kế hoạch.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, ông Cầm Hà Chung cho hay, tỉnh Phú Thọ đã có kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện Chương trình, phân bổ năm 2023 sang năm 2024; sớm sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn vướng mắc tại Quyết định số 1719 của Chính phủ cho phép tỉnh Phú Thọ điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 2% xuống còn 1,3% để phù hợp với thực tiễn của tỉnh khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời, tỉnh kiến nghị cần có phương án tháo gỡ quy định về việc thực hiện nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt; quy định về Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục nghề nghiệp và mở rộng địa bàn thụ hưởng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để địa phương thuận lợi trong công tác triển khai dự án; bổ sung nội dung cho phép xây mới đối với các hạng mục trường học để đảm bảo mục tiêu đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất trường học.

Toàn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm