Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cần có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cần có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cần có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu cho rằng cần có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù để phân cấp, phân quyền; đồng thời giảm tỷ lệ đối ứng đối với các địa phương nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách Trung ương... để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư cũng như tiến độ thực hiện.

Khó triển khai cơ chế lồng ghép, thực hiện 3 chương trình

Nhấn mạnh việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, khó khăn và vướng mắc, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho rằng, Ban Chỉ đạo của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được kiện toàn nhưng cơ chế vận hành chưa nhịp nhàng và thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan. Mô hình bộ máy giúp việc “không thống nhất”, mỗi địa phương mỗi kiểu khác nhau. Có địa phương thành lập văn phòng điều phối, có nơi thành lập tổ giúp việc. Cán bộ giúp việc ở cấp huyện, xã kiêm nhiệm, làm nhiều việc khác nhau, thường xuyên thay đổi trong khi công việc rất nhiều. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cần có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Vũ Xuân Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trong khi đó, Trung ương ban hành "quá nhiều" văn bản với quy định chung chung, dẫn chiếu nhiều nên địa phương khó thực hiện. Một số nội dung chưa được hướng dẫn; một số địa phương chưa hoàn thành văn bản quản lý theo thẩm quyền…

Ngoài ra, còn tình trạng chậm phân bổ vốn, nội dung phân bổ chưa sát với nhu cầu tình hình thực tế của địa phương, không đúng đối tượng. Có những dự án, tiểu dự án, đối tượng thụ hưởng ít nhưng lại phân bổ vốn nhiều. Việc giao vốn sự nghiệp bất cập, chưa thống nhất giữa 3 chương trình. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được giao tổng số vốn sự nghiệp, hai Chương trình còn lại giao chi tiết từng dự án thành phần nên rất khó khăn cho địa phương triển khai cơ chế lồng ghép, thực hiện các Chương trình. Tiến độ giải ngân vốn của ba Chương trình rất chậm, đến nay mới đạt được dưới 50%, đặc biệt là vốn sự nghiệp đạt rất thấp.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng cho rằng: “Với những khó khăn cả về thể chế và con người nếu không có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù, khả năng thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn”.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình, đại biểu nhất trí cơ chế đặc thù mà các giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội đề ra; đồng thời, đề nghị cần có nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền và có cơ chế như Chính phủ đề xuất để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư cũng như tiến độ thực hiện.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cần có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Huế phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tranh luận với ý kiến của đại biểu Vũ Xuân Hùng, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, những khó khăn trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ do nguyên nhân chủ quan mà còn có những nguyên nhân khách quan, vượt thẩm quyền của tỉnh, cần Quốc hội và các bộ ngành tham gia hỗ trợ.

Đối với Trà Vinh, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Riêng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc giải ngân còn hạn chế, chỉ đạt 30% so với kế hoạch vốn. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan đã nêu, còn nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau dẫn đến hạn chế này như Trung ương chậm ban hành văn bản hướng dẫn; số đối tượng thụ hưởng để thực hiện hỗ trợ giảm so với thời điểm rà soát. Việc thực hiện dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất gặp nhiều khó khăn do tỉnh không có quỹ đất, định mức hỗ trợ thấp, không có khả năng đối ứng nên quá trình triển khai của tỉnh bị ảnh hưởng, dẫn tới chậm trễ so với tiến độ đề ra...

Đề nghị giảm tỷ lệ đối ứng

Về giải ngân vốn Chương trình mục tiêu đối với vốn sự nghiệp, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép chuyển nguồn vốn năm 2022 và 2023 đến hết giai đoạn của Chương trình 2021-2025.

Lý giải cho đề xuất này, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết, việc giải ngân nguồn vốn này chậm do vướng mắc về cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ, nhất là quy định về đối tượng thụ hưởng nội dung hỗ trợ, quy trình thanh quyết toán. Cơ bản, việc tổ chức triển khai cơ bản mới được triển khai từ giữa tháng 8/2023. Trong khi đó, nguồn vốn còn lại của Chương trình chưa giải ngân được rất lớn.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cần có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 4Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Cho rằng việc thực hiện bố trí vốn đối ứng đối với các địa phương còn nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương rất khó khăn, đại biểu Nguyễn Thành Nam cũng đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí đủ 100% vốn cho các Chương trình đối với địa phương còn khó khăn về ngân sách.

Đồng quan điểm, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đề nghị giảm tỷ lệ đối ứng đối với các địa phương nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách Trung ương.

Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái, tỷ lệ đối ứng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cao, trong khi nguồn thu ngân sách một số địa phương còn hạn chế nên khó khăn trong việc cân đối ngân sách địa phương để đảm bảo đối ứng theo quy định. Do đó, Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng, giảm tỷ lệ đối ứng đối với các tỉnh nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách Trung ương để có thể cân đối được nguồn vốn của địa phương mà không mất đi nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

Đồng thời, Chính phủ xem xét tăng nguồn vốn đầu tư cho các tỉnh nhận hỗ trợ lớn ngân sách từ Trung ương để thực hiện công trình giao thông, nhất là các tỉnh khu vực miền núi.

Về thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đại biểu Chu Thị Hồng Thái nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội là quan tâm bố trí tăng nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội, mở rộng phạm vi, đối tượng thụ hưởng, nâng định mức cho vay để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

"Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ nên xem xét giảm lãi suất đối với một số Chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất", đại biểu đề xuất.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cần có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 5Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Chu Thị Hồng Thái phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đối với mức hỗ trợ hộ nghèo trong xây dựng nhà ở, đại biểu cho rằng, mức hỗ trợ xây mới 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa 20 triệu đồng/hộ là chưa đủ để có thể đảm bảo được yêu cầu 3 “cứng” về chất lượng sau khi được hỗ trợ. “Chính phủ nghiên cứu, xem xét tăng mức hỗ trợ xây nhà lên 70-80% giá trị nhà ở đạt tiêu chí cho hộ nghèo”, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề xuất.

Quan tâm đến việc lập và giao kế hoạch danh mục đầu tư công giai đoạn hàng năm, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) kiến nghị cho phép địa phương phân bổ, giao dự kiến tổng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa bắt buộc giao tên danh mục, quy mô dự án cụ thể.

Việc giao quy hoạch vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm theo từng lĩnh vực, dự án, tiểu dự án thành phần từ Trung ương đến địa phương theo đúng quy định của Luật Đầu tư ngân sách. Tuy nhiên, theo đại biểu Tráng A Dương, trên thực tế, đây là một trong những điểm vướng mắc nhất, các địa phương thiếu tính chủ động trong việc lồng ghép nguồn vốn điều chỉnh dự toán linh hoạt, chưa thể sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cần có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 6Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Tráng A Dương phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Vì vậy, đại biểu Tráng A Dương kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét ngân sách năm 2024 Trung ương giao tổng thể kế hoạch vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia, không giao dự toán chi tiết từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể để các địa phương chủ động triển khai thực hiện, đảm bảo sử dụng nguồn lực có hiệu quả, giải ngân đúng kế hoạch và tiến độ hàng năm.

Diệp Trương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm