Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Các Chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo yếu tố bền vững cao

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Các Chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo yếu tố bền vững cao

Cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các chương trình này phải đảm bảo mang tính bền vững cao- Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhấn mạnh yếu tố này khi thảo luận ở hội trường sáng 30/10 về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Các Chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo yếu tố bền vững cao ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ tranh luận. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đánh giá cao 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các Chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài. Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo.

"Hết chương trình, hết dự án thì "nghèo lại hoàn nghèo", đại biểu Tạ Văn Hạ nói và đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các Chương trình. Các chương trình này phải đảm bảo mang tính bền vững cao, "đây mới là căn cơ".

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) phản ánh thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương và cho rằng, còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025. "Vì các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức", đại biểu Trần Nhật Minh thảo luận.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Các Chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo yếu tố bền vững cao ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Trần Nhật Minh phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo đại biểu Trần Nhật Minh, đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm. Bất cập này đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5, theo đó, một số bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế tác động của các quyết định công nhận xã thôn khu vực I, II, III vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn xã đặc biệt khó khăn nay trở thành thôn, xã nông thôn mới. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể, khả thi, thiết thực để tháo gỡ, khắc phục vấn đề này.

Nhấn mạnh người dân rất mong chờ Quốc hội có cơ chế đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng: Nếu những khó khăn, vướng mắc từ thực tế tổ chức thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia được tháo gỡ bằng một nghị quyết của Quốc hội quy định về cơ chế, chính sách đặc thù và nghị quyết đó sẽ tháo gỡ được toàn bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, mục tiêu và hiệu quả của Chương trình sẽ đạt được; các địa phương và người dân được thụ hưởng chính sách đang rất mong chờ nghị quyết này của Quốc hội....

Đại biểu Lò Thị Luyến cũng nêu những thực tế khó khăn của địa phương chưa được đề cập vì mới phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, thời điểm Đoàn giám sát trực tiếp tại địa phương, một số nội dung của Nghị định số 38/2023/NĐ-CP chưa được triển khai do Nghị định mới ban hành tháng 6/2023. Cụ thể, về giống vật nuôi theo khoản 4 Điều 20 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, Chính phủ quy định ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi là những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tại Giấy biên nhận mua bán với người dân.

Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, quy định này chưa thật sự rõ ràng, dễ dẫn đến hiệu quả rủi ro về mặt pháp lý cho người thực hành công vụ. Để thống nhất quan điểm về nhận thức trong tổ chức thực hiện, tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề xuất theo hướng cho phép đơn vị chủ trì dự án thực hiện thu mua giống vật nuôi từ người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án bảo đảm quy định về nguồn gốc sức khỏe, dịch bệnh và các tiêu chí theo định mức kinh tế kỹ thuật của tỉnh ban hành.

Chính quyền địa phương nơi triển khai dự án thành lập Tổ thẩm định đánh giá về chất lượng giống vật nuôi của đơn vị chủ trì dự án trước khi cấp đến các hộ dân được thụ hưởng. Nội dung này được Cục Chăn nuôi trả lời rằng, địa phương cần xem xét, cân nhắc lựa chọn phương án cung giống, cung ứng giống phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi- Đại biểu Lò Thị Luyến nói và đề nghị Chính phủ, Quốc hội chấp thuận cơ chế cho phép các địa phương thực hiện theo đề xuất của tỉnh Điện Biên như đã nêu trên.

Hạnh Quỳnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm