Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Có giải pháp toàn diện, lâu dài cho giảm nghèo bền vững

Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Có giải pháp toàn diện, lâu dài cho giảm nghèo bền vững

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu quan tâm và đánh giá công tác giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đạt được nhiều thành công, là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, giảm nghèo thời gian qua còn thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn, giá nhiều mặt hàng tăng cao.

Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Có giải pháp toàn diện, lâu dài cho giảm nghèo bền vững ảnh 1Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sông Hinh triển khai chương trình tặng bò giống cho đồng bào dân tộc thiểu số xuyên suốt những năm qua, góp phần cùng địa phương giảm nghèo bền vững. Ảnh: TTXVN phát

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, Việt Nam với nền kinh tế có GDP còn khiêm tốn nhưng lại có độ mở cao nên trước tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và mới đây là xung đột Israel - Hamas tác động tới quá trình phục hồi của thế giới hậu đại dịch COVID-19; việc tăng giá trị đồng ngoại tệ mạnh; các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc… đang dần bị thu hẹp, phát sinh nhiều rào cản kỹ thuật, tạo thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu.

Vì vậy, giá nhiều mặt hàng tăng cao đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Đây là các yếu tố gây bất lợi cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân do gia tăng chi phí sinh hoạt, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp.

Đối với công tác giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đạt được nhiều thành công, tuy nhiên vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, vấn đề giảm nghèo thời gian qua còn thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao, còn tình trạng nghèo đói - thoát nghèo - tái nghèo. Bên cạnh đó, khi tác động của đại dịch COVID-19 chưa giải quyết xong thì thiên tai, bão lũ lại đến ngày càng thường xuyên, một bộ phận không nhỏ người dân sẽ bị tái nghèo. Đây là vấn đề phải đặc biệt quan tâm, có giải pháp toàn diện về lâu dài.

Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề ra những giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Hiện nay các địa phương đang chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền thì các địa phương ban hành văn bản thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, một số bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thuộc các chương trình Mục tiêu quốc gia; do đó, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai và ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, giải ngân vốn của các địa phương.

Kiến nghị nâng mức trợ cấp xã hội đối với học sinh vùng khó khăn

Cũng liên quan các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) cho biết, với nội dung xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Tiểu dự án 1- DA5 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện nay kinh phí chi trả chế độ cho người tham gia dạy các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục được hướng dẫn chi từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” do địa phương đảm bảo, nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối, chưa bố trí thanh toán chế độ cho giáo viên kịp thời. Từ đó, đại biểu kiến nghị cho phép sử dụng nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để chi trả chế độ cho người dạy các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị nâng mức trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhằm đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, nhất là học sinh vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số ít người.

Theo đó, tổng các định mức hỗ trợ tối đa một học sinh (thuộc các đối tượng được hưởng chế độ) được nhận trong một tháng bằng 100% mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và thấp nhất bằng 40% mức lương cơ sở. Nhưng các chính sách trên chỉ áp dụng cho các trường Trung học phổ thông công lập, không áp dụng cho học sinh ở các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Trong đó, 140 nghìn đồng/một người là số tiền học sinh ở các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng.

Đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, mức hỗ trợ này quá thấp và đã được duy trì 12 năm nay, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Do vậy, đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 1, Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng nâng mức trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tại các trường đào tạo công lập, hệ chính quy, dài hạn tập trung.

Xuân Tùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm