Bước tiến mới trong giảm nghèo bền vững

Bước tiến mới trong giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo là mục tiêu kiên định của Đảng, Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện các chiến lược phát triển đất nước. Thành tựu trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều những năm gần đây, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025, đang tạo bước tiến mới trong giảm nghèo, đảm bảo công bằng xã hội, nỗ lực thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác.

Bước tiến mới trong giảm nghèo bền vững ảnh 1Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường tặng quà cho gia đình chị Lường Thị Mai (bản Pá Đông, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên), một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh được khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Những thành tựu ấn tượng

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác xóa đói giảm nghèo. Kết quả Khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1% so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81% trong giai đoạn 2016-2022.

Kết quả thực hiện giảm nghèo ở các Vùng dân tộc thiểu số đạt được những thành tựu lớn. Khoảng cách về tỷ lệ nghèo đa chiều giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số khá lớn nhưng đã được thu hẹp dần dưới tác động của hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ người nghèo. Đó là các chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện.

Tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số giảm khá nhanh so với dân tộc Kinh và cả nước. Trong năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số là 23,7%, giảm 12,8% so với năm 2016, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2022 giảm 2,13%; dân tộc Kinh có tỷ lệ nghèo đa chiều là 2%, giảm 2,8%.

Bước tiến mới trong giảm nghèo bền vững ảnh 2Ngôi nhà cũ xập xệ được dựng từ những tấm gỗ tạp của bà Lô Thị Thanh, bản Nhã Lỳ, xã Tà Cạ, huyện biên giới Kỳ Sơn đang được tháo dỡ để xây dựng ngôi nhà mới kiên cố hơn. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Trong giai đoạn 2016 - 2021, toàn bộ 6 Vùng kinh tế– xã hội đều có tỷ lệ nghèo đa chiều giảm hằng năm, nhất là tại các vùng khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Điển hình như Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, có thành tựu giảm nghèo nhanh nhất cả nước khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2021 là 12,1%, giảm 9,6% so với năm 2016 và bình quân mỗi năm giảm 1,92%; tiếp đến là vùng Tây Nguyên là 10,1%, giảm 8,5% so với năm 2016 và bình quân mỗi năm giảm 1,69%.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong công tác giảm nghèo, Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành thường xuyên có những chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt những gia đình sinh sống tại các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu vùng xa và hải đảo. Nổi bật là Đảng, Nhà nước đã quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình khoảng 120 nghìn tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu, liên kết vùng được ưu tiên đầu tư, nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn để xây dựng vùng nông thôn mới.

Bước tiến mới trong giảm nghèo bền vững ảnh 3Đại diện Đồn Biên phòng Đắc Ơ (huyện biên giới Bù Gia Mập, Bình Phước) trao dê giống cho hai hộ nghèo xã Đắc Ơ. Ảnh: TTXVN phát

Tháo gỡ những rào cản ở vùng “lõi nghèo”

Những kết quả ấn tượng của đất nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo suốt hàng chục năm qua có tác động rất lớn trong việc khơi dậy ý chí, nhận thức tự lực vươn lên thoát nghèo của cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, thực tế cũng cho thấy kết quả giảm nghèo của Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế. Nhiều huyện vùng biên giới, miền núi, hải đảo vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao. Vòng luẩn quẩn thoát nghèo, tái nghèo vẫn là vấn đề bức thiết đòi hỏi sớm có giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là tại các vùng “lõi nghèo”.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã bước đầu có những hiệu quả nhất định song thực tế cũng đang gặp một số khó khăn, bất cập. Theo đó, dù là một Chương trình có thời gian thực hiện lâu nhất, đã trải qua 7 giai đoạn triển khai và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, là điểm sáng trong công tác giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tuy nhiên, đa số đối tượng, địa bàn thuận lợi đã thoát nghèo, được thực hiện trong các giai đoạn trước, đến giai đoạn này, địa bàn thực hiện Chương trình là những “lõi nghèo” của cả nước với 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Việc ban hành một số văn bản chậm cũng đã ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình trong năm 2021, năm 2022 và năm 2023. Chương trình thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia nhưng thực chất bắt đầu thực hiện trong giai đoạn 2022-2025 do năm 2021 vẫn tiếp tục duy trì chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Bước tiến mới trong giảm nghèo bền vững ảnh 4Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Than Uyên (Lai Châu) phối hợp với Đảng uỷ xã Mường Cang thực hiện mô hình trồng dưa nếp NOVA-119 nhằm giúp người dân thoát nghèo. Ảnh: TTXVN phát

Bên cạnh đó, giai đoạn 2022 - 2025, chuẩn nghèo đa chiều đã ban hành nhưng vẫn thấp hơn “ngưỡng mức sống tối thiểu” và chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát hằng năm. Kết quả thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo chưa bền vững. Các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỷ lệ hộ nghèo mà chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người ở các huyện nghèo hằng năm…

Trước những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung nhằm tháo gỡ. Trong đó, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chính phủ chỉ đạo rà soát một số nội dung còn có khó khăn, vướng mắc liên quan đến Quyết định 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Chương trình để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 và bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chính sách cho vay hỗ trợ giảm nghèo, nhất là hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, cận nghèo.

Bước tiến mới trong giảm nghèo bền vững ảnh 5Lực lượng y tế khám bệnh miễn phí cho người dân nghèo huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo đã giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ có thêm 9 xã trong danh sách 54 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, đạt tiêu chí để công nhận xã nông thôn mới.

Để thực hiện hiệu quả và bền vững, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay: Chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, phát huy ý chí, nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Nhà nước chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, cùng với việc tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành, cần tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp cần được quan tâm hỗ trợ phát triển, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Hạnh Quỳnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm