Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Sẽ giải ngân trên 90% vốn phân bổ năm 2023

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Sẽ giải ngân trên 90% vốn phân bổ năm 2023

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ Chương trình) đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp đề xuất phân bổ vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phân bổ 12.692 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương (gồm: vốn đầu tư phát triển là 5.400 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 7.292 tỷ đồng). Số vốn nguồn ngân sách Trung ương phân bổ năm 2023 tăng 47% so với năm 2022.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Sẽ giải ngân trên 90% vốn phân bổ năm 2023  ảnh 1Gia đình chị Phan Thị Vui, dân tộc Giáy ở thôn Đồng Căm, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, vay vốn ưu đãi cải tạo, chăm sóc 2 ha chè, gia đình có việc làm, tăng thu nhập. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đã ban hành văn bản hướng dẫn về phạm vi, đối tượng phân bổ vốn Chương trình năm 2023. Thực hiện quy định tại Điều 36 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan chủ dự án/tiểu dự án thành phần của Chương trình thông báo vốn sự nghiệp giai đoạn 2024 - 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để xây dựng phương án thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Các địa phương đã phân bổ 902,778 tỷ đồng, gồm 424,558 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 478,22 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình. Ngoài ra, nguồn vốn cho Chương trình năm 2023 còn được huy động từ các nguồn hợp pháp khác 107,2 tỷ đồng.

Như vậy, năm 2023, tổng số vốn được phân bổ dành cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này là gần 13.702 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 7/2023, giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt 1.946,636 tỷ đồng, bằng 15,34% số vốn được phân bổ (1.524,449 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 28,23%; 422,187 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 6,53%). Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, ước giải ngân đến ngày 31/12/2023, vốn đầu tư phát triển đạt 94,67%, vốn sự nghiệp đạt 88,19%.

Kết quả giải ngân nguồn ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm là 81,356 tỷ đồng (20,065 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 4,73%; 61,291 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 12,82%). Ước giải ngân đến ngày 31/12/2023, vốn đầu tư phát triển đạt 98,35%, vốn sự nghiệp đạt 85,05%.

Với nguồn vốn huy động hợp pháp khác, 6 tháng đầu năm đã giải ngân 39,813 tỷ đồng, đạt 37,14%. Ước đến hết năm nay sẽ giải ngân đạt 90,77%.

Dựa trên báo cáo của các địa phương, ước tính tổng số tiền giải ngân cho Chương trình tính đến hết năm 2023 sẽ đạt trên 90%.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm