Kiên định mục tiêu xóa đói, giảm nghèo đến giảm nghèo bền vững, Việt Nam đã hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo” vào năm 2006, về đích trước gần 10 năm so với thời hạn. Năm 2021, Việt Nam tiếp tục bắt đầu bước vào giai đoạn giảm nghèo mới với chuẩn nghèo có điều chỉnh so với trước đây. Ước tính, chính sách giảm nghèo mới sẽ tác động đến 4,5 triệu hộ dân trên cả nước...
Những thành tựu ấn tượng
Trong hơn ba thập kỷ vừa qua, xóa đói giảm nghèo luôn là mục tiêu và là lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Cùng với phát triển kinh tế cao là hàng loạt các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội quốc tế. 63 tỉnh, thành phố chủ động ban hành bổ sung nhiều chính sách đặc thù trong lĩnh vực giảm nghèo để hỗ trợ người dân.
Điển hình như tỉnh Bắc Kạn với chính sách riêng hỗ trợ, khuyến khích các hộ nghèo phát triển các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao. Hà Nội đã ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ không có khả năng thoát nghèo và hộ sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống. Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Đề án chiến lược giảm nghèo bền vững trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo không chỉ là ý chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mà đã trở thành suy nghĩ của từng hộ nghèo. Việc hơn 8 triệu người thoát nghèo và cận nghèo; thu nhập bình quân của người nghèo đến cuối năm 2019 đã tăng 1,6 lần so với trước đó đã cho thấy, “thoát nghèo” trở thành phong trào trên phạm vi cả nước, được nhiều người nghèo thực hiện. Trong cộng đồng xuất hiện nhiều tấm gương sáng nổi bật về thoát nghèo như trường hợp cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi) xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; 44 hộ nghèo người Dao ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; 470 hộ nghèo ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; 51 hộ ở vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái...
Điều đó cũng lý giải vì sao năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam còn tới 58,1%, đến năm 2015 là 9,88%. Tới năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ là 3,75% và năm 2020 còn 2,75%. Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong những năm gần đây như huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai giảm 40,66%; huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai giảm 39,96%; huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái giảm 34,51%; huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giảm 33,52%.
Điều đặc biệt hơn, năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm so với thời hạn và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam xác nhận điều này và cho hay, quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua.
Còn “rào cản” thoát nghèo
Những kết quả ấn tượng của đất nước trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo đến giảm nghèo bền vững suốt hàng chục năm qua có phần rất lớn trong việc khơi dậy được ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo trong cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, thực tế cũng cho thấy, kết quả giảm nghèo của Việt Nam vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện nay chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu hiện nay, chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả.
Việc rà soát, tích hợp văn bản chính sách về giảm nghèo cũng như việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai chưa hiệu quả; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống.
Nhấn mạnh những tồn tại trong công tác giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thẳng thắn cho rằng, việc phấn đấu giảm nghèo bền vững rất khó khăn. Tình trạng tái nghèo, tái cận nghèo còn cao và thực tế còn tình trạng mâu thuẫn là ở một số huyện, tỉnh nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo phát sinh thấp hơn một số tỉnh kinh tế khá giả.
“Có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân cơ bản là việc tách hộ để được hưởng chính sách nghèo, cận nghèo, rồi giải quyết nhà ở, đất ở. Phải thẳng thắn là còn tình trạng trục lợi”, ông Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Tận dụng mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Trước tình hình trên, cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025. Chuẩn nghèo mới này có hai tiêu chí để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình là tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Khoảng 16,6% hộ dân trên cả nước có thu nhập dưới chuẩn nghèo với gần 4,5 triệu hộ dân, tương ứng với trên 17 triệu người, chịu tác động từ chuẩn nghèo đa chiều mới này.
Theo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới tập trung điều chỉnh, nâng tiêu chí về thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu tính tại thời điểm năm 2020; bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm. Chuẩn mới được xây dựng dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người, đặc biệt là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Điểm đột phá mới trong giai đoạn 2021- 2025 là tập trung đầu tư con người, đặc biệt là người nghèo. Đồng thời, sẽ phải phân loại người nghèo, làm rõ nguyên nhân nghèo và xác định nhóm hộ nghèo có khả năng lao động. Thậm chí phân loại trong nhóm này thành các nhóm nghèo do lười lao động, nghèo do vướng tệ nạn xã hội, nghèo do thiếu sự hỗ trợ (thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn...). Việc phân loại này sẽ đưa ra được các biện pháp tác động phù hợp. Giảm nghèo gắn với đối tượng cụ thể, đặc điểm hộ gia đình cụ thể thì mới áp dụng các biện pháp thoát nghèo bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong bối cảnh mới, Bộ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bao trùm đến năm 2030. Chương trình Mục tiêu quốc gia mới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện, đa tầng.
Cần tận dụng mọi nguồn lực tập trung cho giảm nghèo, đặc biệt quan tâm đến nhà ở, đất sản xuất, tạo việc làm cho người dân, kết nối việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân; tiếp tục hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài..., Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Hạnh Quỳnh