Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ

Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ

Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi vẫn là bài toán đặt ra đối với địa phương này.

Nỗ lực thoát nghèo

Ngày mới thành lập (năm 2007), toàn huyện Tân Sơn có đến 14/17 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, an toàn khu, với trên 82,3% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tân Sơn cũng là một trong những huyện nghèo duy nhất của tỉnh Phú Thọ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Chỉ sau 10 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Tân Sơn đã thoát huyện nghèo, về đích trước 2 năm.

Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ ảnh 1Con đường nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ. Ảnh: baodantoc.vn

Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Sơn Nguyễn Thị Hồng Huệ dẫn chúng tôi đến thăm hộ gia đình ông Hà Văn Lương, dân tộc Mường, ở bản Chiềng, xã 135 Thạch Kiệt. Ông Lương cho biết, gia đình đông con cháu, cha mẹ già đau yếu, mặc dù nỗ lực lao động nhưng vẫn rất khó khăn. Từ chương trình hỗ trợ giảm nghèo của huyện, năm 2016 gia đình ông được cấp 2 con dê, sau 4 năm chăm sóc, đến nay đàn dê đã tăng lên 20 con, trị giá trên 50 triệu đồng. Trong thời gian nuôi, ông đã bán được 10 con dê để cải thiện cuộc sống, đầu tư nuôi thêm gà. Năm 2018, gia đình ông đã thoát nghèo, chỉ sau 2 năm được hỗ trợ dê. Ông Lương chia sẻ, nhiều hộ trong bản cũng được hỗ trợ dê như gia đình ông nên đã thoát cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu.

Cách đây 2 năm, gia đình anh Hà Văn Hùng, xóm Dùng, xã Thạch Kiệt, luôn sống trong cảnh bất an bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở núi. Gia đình anh thuộc hộ nghèo, anh là lao động chính nên cuộc sống rất chật vật. Căn nhà tranh cách đây 5 năm đã bị vùi trong đất sau một trận sạt lở núi, may mắn cả nhà anh thoát chết. Không có nhà, gia đình anh phải đi ở nhờ và làm thuê nhiều nơi kiếm sống. Năm 2018, gia đình anh Hùng và 40 hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở của xã vui mừng được Nhà nước hỗ trợ di dân ra điểm tái định canh, định cư mới thuộc khu Chiềng, xã Thạch Kiệt, sinh sống. Tại đây, gia đình anh cùng các hộ dân được Nhà nước cấp 200 m2 đất để làm nhà ở. Có nhà ở, đất để sản xuất, gia đình anh đã ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ cho biết, để giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện Tân Sơn dành 17 tỷ đồng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, máy móc thiết bị nông nghiệp cho trên 3.000 hộ nông dân trong vùng đồng bào dân tộc. Huyện còn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho trên 4.400 lượt người, đào tạo nâng cao năng lực cho gần 300 cán bộ xã, thôn, bản.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, việc triển khai hỗ trợ được chuẩn bị kỹ lưỡng cho cả giai đoạn, lấy ý kiến nhu cầu đầu tư, hỗ trợ trực tiếp tại các thôn, bản, lựa chọn đúng đối tượng, hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên. Đặc biệt, huyện thường xuyên phối hợp với cán bộ xã kiểm tra việc sử dụng nguồn hỗ trợ.

Ông Tạ Ngọc Yến, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, không chỉ hỗ trợ các hộ dân vùng dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện cũng đã huy động nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2016-2020, huyện huy động trên 95 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã ATK. Hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các công trình sau đầu tư đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ ảnh 2Cán bộ Trạm y tế xã Minh Đài, huyện Tân Sơn hướng dẫn người nghèo làm thủ tục đăng ký khám bệnh.Ảnh: baophutho.vn

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đã triển khai 5 điểm định canh, định cư tại các xã: Thạch Kiệt, Tân Sơn, Thu Cúc, Kiệt Sơn và Lai Đồng, giải quyết cho hơn 200 hộ dân có nơi ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Khi mới thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm 98%, đến năm 2019 giảm xuống còn 13,9%. Đặc biệt từ khi được Chương trình 135 hỗ trợ, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn giảm mạnh, năm 2016 giảm 4,16%, năm 2017 giảm 4,26%, năm 2018 giảm 4,52%, năm 2019 giảm gần 5%, dự kiến năm 2020 tiếp tục giảm mạnh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 20 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2015 và là một trong 8 huyện nghèo của cả nước được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018-2020.

Hiện nay, toàn huyện vẫn còn 2.800 hộ nghèo, trên 2.100 hộ cận nghèo, cao nhất tỉnh, trong khi đó nguồn lực trong nhân dân hạn chế, khả năng tự vươn lên thoát nghèo của không ít đồng bào dân tộc khó khăn. Do vậy, giai đoạn tới, huyện kiến nghị Trung ương điều chỉnh nâng chuẩn nghèo và tiếp tục có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Nằm ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Phú Thọ có 13 huyện, thành, thị, trong đó 10/13 huyện miền núi, với 50 dân tộc cùng chung sống. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi, kinh tế phát triển chưa bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nhiều nơi vẫn duy trì tập quán canh tác cũ, lạc hậu.

Việc đảm bảo đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm hàng đầu. Ngoài cơ chế, chính sách của Trung ương, Phú Thọ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch, cùng các cơ chế hỗ trợ để giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Ông Đinh Ngọc Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết, nhờ vận dụng linh hoạt các nguồn vốn, chỉ trong 5 năm gần đây, tỉnh đã huy động trên 681 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ ảnh 3Nhờ được hỗ trợ bò giống từ chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở  huyện Tam Nông đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: baophutho.vn

Từ nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 611 công trình đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, lồng ghép 286 công trình, duy tu bảo dưỡng hàng trăm công trình khác. Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động trên 149 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện nhiều dự án nông, lâm nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ máy móc thiết bị, nhân rộng mô hình giảm nghèo giúp hàng nghìn hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số hưởng lợi.

Cùng với đó, tỉnh Phú Thọ cũng đã huy động 68 tỷ đồng đầu tư 11 điểm dự án di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số của 2 huyện Tân Sơn và Yên Lập, góp phần ổn định nơi ở cho 554 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, từ nguồn vốn huy động, tỉnh đầu tư xây mới 5 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ các công trình cấp nước phân tán cho 11.448 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 333 hộ đồng bào dân tộc thiểu số…

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với vùng dân tộc và miền núi. Từ nguồn lực huy động được, tỉnh tập trung nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, trung tâm các xã, thôn, bản. Bên cạnh đó, tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân; đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ y bác sỹ tuyến huyện, xã và cán bộ y tế thôn, bản, quan tâm y tế dự phòng.

Tỉnh tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số; tạo cơ hội bình đẳng để đồng bào tiếp cận nguồn lực phát triển và thụ hưởng dịch vụ, phúc lợi xã hội.

Phú Thọ cũng tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp sử dụng, giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số; đồng thời thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2024, thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng gấp 1,8 lần so với hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4-5%, giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với hiện nay.

Lâm Đào An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm