Hiệu quả dự án phát triển chuỗi giá trị mây, tre, lá và dược liệu ở Quảng Nam

Hiệu quả dự án phát triển chuỗi giá trị mây, tre, lá và dược liệu ở Quảng Nam

Sau hơn 1 năm thực hiện, ngày 18/11, Ban điều hành Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, phối hợp với Hội Liên hiệp Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam tổng kết dự án Cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua việc phát triển chuỗi giá trị mây, tre, lá và dược liệu ở Quảng Nam.

Hiệu quả dự án phát triển chuỗi giá trị mây, tre, lá và dược liệu ở Quảng Nam ảnh 1Đồng bào Cơ Tu có thêm sinh kế từ nghề mây tre đan. Ảnh: baoquangnam.vn

Theo đó, dự án Cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua việc phát triển chuỗi giá trị mây, tre, lá và dược liệu được triển khai tại các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam. Mục tiêu ban đầu của dự án là hỗ trợ cho khoảng 600 hộ ở 3 huyện trên tham gia trồng mây, khai thác bền vững, phát triển diện tích trồng dược liệu (đẳng sâm), chế biến dược liệu, đào tạo nghề theo quy trình sản xuất sạch bằng cách tiếp tục duy trì, phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống từ mây, tre, lá của đồng bào dân tộc và học cách sản xuất thêm sản phẩm mới.

Sau 1 năm thực hiện, có 721 hộ dân trên địa bàn 3 huyện tham gia dự án với 98% là đồng bào dân tộc Cơ Tu, trong đó trên 51,3% các đối tượng là nữ, trồng và chế biến dược liệu, 48,7% là nam giới, đan lát mây, tre. Tham gia dự án, các đối tượng hưởng lợi được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến dược liệu, cách sản xuất sạch các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng như sản phẩm mới du nhập, cách bảo quản sản phẩm… Ngoài ra, người dân được hướng dẫn kỹ thuật và cách tiếp cận thị trường, nhờ đó thu nhập của các hộ dân trong quá trình tham gia dự án tăng đáng kể so với trước. Cụ thể, các hộ dân tham gia trồng và chế biến dược liệu có thu nhập tăng hơn 65%. Nhóm đối tượng tham gia dự án được đào tạo nghề theo quy trình sản xuất sạch, thu nhập đã tăng đáng kể do hiện nay có nhiều đơn hàng được ký kết giữa các doanh nghiệp thu mua sản phẩm với hộ sản xuất, trong đó người dân đã ký được hợp đồng ổn định với 5 công ty, 8 đại lý (cửa hàng) với trị giá 2 tỷ đồng.

Chị Coor Thị Ích ở thôn Pứt, xã Gari, huyện Tây Giang cho biết: Tham gia dự án, chị được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến dược liệu để bán ra thị trường. Gia đình chị hiện nay trồng gần 0,5 ha đẳng sâm, chưa đến kỳ khai thác, dự kiến, sản lượng sẽ đạt khoảng 1,5 tấn đẳng sâm/vụ (cây sinh trưởng từ 12 đến 18 tháng mỗi vụ). Hiện nay, trên thị trường đẳng sâm có giá từ 50 - 200 ngàn đồng/kg tùy loại. Theo chị Coor Thị Ích, cây đẳng sâm sống khỏe, ít sâu bệnh..., nguồn thu từ cây đẳng sâm sẽ giúp chị có điều kiện để chăm lo cho các con.

Trịnh Bang Nhiệm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm