Dự hội nghị có khoảng 300 đại biểu đại diện cho các Sở, Ngành, quận, huyện và doanh nghiệp sản xuất, phân phối, chế biến, doanh nghiệp ngân hàng của Thành phố Hà Nội. |
Những năm qua, Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo các Sở, Ngành; các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp phân phối... thực hiện nhiều hình thức, giải pháp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể như: Hỗ trợ công tác tuyên truyền quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản thực phẩm của Hà Nội tới người tiêu dùng; Tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm với các hợp tác xã, hộ sản xuất, qua đó chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định được đầu vào và đầu ra, đặc biệt là các sản phẩm có tính thời vụ, các sản phẩm được cung ứng đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nhiều hàng hóa đã truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ… Giá cả hàng hóa được ổn định khi sản phẩm được đưa vào các kênh phân phối hiện đại.
Nhiều sản phẩm lợi thế của các huyện ngoại thành như: gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; các loại rau, củ... đã được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, chất lượng sản phẩm…. phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng để đưa vào kênh phân phối và hầu hết các sản phẩm đã có mặt trên thị trường Hà Nội được người dân Thủ đô tiêu dùng. Ngoài ra, các ngành chức năng còn hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm: Sữa bò Ba Vì, Chè Ba Vì, Gà đồi Ba Vì, Gà đồi Sóc Sơn, Gà Mía Sơn Tây, Bưởi Phúc Thọ, Ổi Đông Dư, Nhãn chín muộn, Bưởi Tôm vàng Hoài Đức; Rau Vân Nội - Đông Anh... Nhờ vậy, nông sản thực phẩm Hà Nội đã nâng được giá trị sản phẩm, giá thành và được nhiều người tiêu dùng cả nước biết đến, tin dùng.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại Hội nghị về kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững của Thành phố Hà Nội năm 2018. |
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại Hội nghị về kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững của Thành phố Hà Nội năm 2018. |
Tuy nhiên, tại Hội nghị, các đại biểu cũng đặt ra hàng loạt những khó khăn đang tồn tại. Cụ thể như: Công tác quy hoạch vùng sản xuất vẫn còn lỏng lẻo. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, đặc biệt là trong trồng trọt chưa giải quyết được vấn đề tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp tham gia vào đầu tư và sản xuất nông nghiệp; chưa có nhiều vùng sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, ISO, GlobalGap...; Chất lượng sản phẩm của từng màu vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp chỉ đạt 30%.
Vốn đầu tư xã hội vào phát triển nông nghiệp còn quá nhỏ. Người nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã... còn khó khăn về vốn để phát triển sản xuất lớn, đầu tư công nghệ, mua vật tư nông nghiệp, cây con giống... Sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm còn hạn chế: quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm; đầu ra sản phẩm nông nghiệp (chế biến, tiêu thụ sản phẩm) còn thiếu tính bền vững.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì Hội nghị về kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững của thành phố Hà Nội năm 2018. |
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa "6 nhà". |
Tại mỗi địa phương, chưa có nhiều các doanh nghiệp, hợp tác xã đủ mạnh để làm đầu mối, cầu nối bao tiêu việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đặt hàng với nông dân từ khi sản xuất đến khi tiêu thụ. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi; Công tác phát triển chuỗi gắn từ khâu sản xuất đến giết mổ, sơ chế, bảo quản đến khâu tiêu thụ còn chưa đáp ứng được tình hình sản xuất của người nông dân và nhu cầu của thị trường. Hầu hết các chuỗi hiện nay chỉ thực hiện việc thu mua sản phẩm khi nông dân có hàng sản xuất ra. Công tác dự báo thị trường tiêu thụ nông sản còn hạn chế; Kế hoạch sản xuất chưa gắn với nhu cầu của thị trường dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong tác tiêu thụ.
Đa số các hộ nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất mà chưa quan tâm đến sản phẩm của mình làm ra bán cho ai, bán ở đâu, bán như thế nào? Chưa quan tâm đến công tác sơ chế, bao gói, nhãn mác, chưa quan tâm đến nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng... nên chưa có nhiều mặt hàng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn vào các kênh phân phối hiện đại, xuất khẩu; Giá cả không ổn định hầu hết phụ thuộc vào định giá của thương lái và sự trôi nổi lên xuống của thị trường...
Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác về khai thác, tiêu thụ sản phẩm nông sản, khai thác vùng nguyên liệu giữa các doanh nghiệp phân phối với 22 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội. |
Hội nghị đã đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững. Cụ thể:
+ Nhóm giải pháp về sản xuất:
- Tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch.
- Xây dựng kế hoạch sản xuất mang tính tổng thể của ngành Nông nghiệp Thành phố, đảm bảo các đơn vị sản xuất theo đúng nhu cầu của thị trường.
- Tăng cường tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, trồng trọt, nhất là kỹ năng lập kế hoạch sản xuất theo nhóm hộ, đẩy mạnh công tác hỗ trợ, cung cấp thông tin để các hộ sản xuất thường xuyên được tiếp cận với thông tin về tình thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay.
- Phát triển mạnh khoa học công nghệ và khuyến nông, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong sản xuất, ưu tiên xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất. Đặc biệt, xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, sản xuất theo hướng hữu cơ…
- Đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra là sản phẩm an toàn, đáp ứng được các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc; nâng cao tỷ lệ sản phẩm truy xuất được nguồn gốc hàng năm.
- Tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa 6 nhà: nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp - nhà băng (ngân hàng) - nhà phân phối.
- Đẩy mạnh xây dựng mô hình doanh nghiệp. Hợp tác xã làm đầu mối bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân và thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
- Hợp tác xã, hộ sản xuất cần tổ chức sản xuất theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, không tổ chức sản xuất tự phát, theo phong trào; Đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đáp ứng các yêu cầu về thủ tục giấy tờ, đăng ký chất lượng, mẫu mã, bao bì... phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; chủ động tham gia liên kết, sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ sản xuất tại địa phương.
Một số sản phẩm nông sản thực phẩm tiểu biểu của Hà Nội được trưng bày tại hội nghị. |
+ Nhóm giải pháp về hỗ trợ tiêu thụ:
- Tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các vùng sản xuất, các sản phẩm an toàn, sản phẩm có thế mạnh của các địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tuyên truyền các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các cách làm hay, mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả của các địa phương, của người nông dân để cùng học hỏi và phát triển.
- Tuyên truyền làm thay đổi tư duy, thói quen của người sản xuất trong việc sản xuất phải gắn với thị trường, không sản xuất tràn lan hoặc ngừng sản xuất khi chưa có khuyến cáo của các cơ quan quản lý nhà nước. Sản xuất các sản phẩm an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của an toàn thực phẩm để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững;.
- Phối hợp với các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cung cấp, dự báo thông tin tình hình thị trường, giá cả nông sản trên các phương tiện thông tin... để các đơn vị, người sản xuất nắm bắt, chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên, ổn định giá cả, thị trường.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm. Thí điểm ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử trong quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống bằng tem điện tử mã QRcode. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các chuỗi nông lâm, thủy sản an toàn được ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã Qrcode.
- Tổ chức có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, phát triển sản xuất ổn định, bền vững.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng giả về các sản phẩm đầu vào vật tư nông nghiệp; kiểm tra công tác an toàn thực phẩm đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp được cạnh tranh lành mạnh. Tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, nhằm cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
- Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại (siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn...) trên địa bàn Thành phố, tạo địa điểm cố định giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.
Một số sản phẩm nông sản thực phẩm tiểu biểu của Hà Nội được trưng bày tại hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa "6 nhà": Nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - ngân hàng - nhà phân phối; chủ động nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa để làm cơ sở tìm đầu ra cho nông sản, ổn định giá cả, thị trường, góp phần thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường trên địa bàn.
Bài và ảnh: Phan Ngọc Đức