Ảnh minh họa |
Dự án này sẽ bắt đầu được thực hiện từ quý 4/2015 và đưa vào sử dụng từ quý 1/2021.
Trước đó, ngày 24/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định chấp thuận nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 3.692 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay và vốn huy động hợp pháp theo quy định của pháp luật; trong đó Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Nội góp 20% vốn, Công ty cổ phần nước sạch Thành Long góp 79%.
Theo ông Lê Văn Dục, trong giai đoạn hiện nay việc xây dựng nhà máy nước mặt là rất cần thiết. Hiện công suất cấp nước sạch trên địa bàn thành phố là 900.000 m3/ngày đêm; trong đó nguồn nước mặt là 300.000 m3/ngày đêm, còn lại là từ nguồn nước ngầm.
Nhu cầu nước sạch của người dân càng tăng trong khi đó nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Chính vì vậy cần phải giảm dần nguồn nước ngầm thay vào đó là khai thác nguồn nước mặt. Nếu tiếp tục khai thác nước ngầm như hiện nay, nguồn nước sẽ bị ô nhiễm, cạn kiệt và gây sụt nền.
Căn cứ nhu cầu dùng nước theo quy hoạch và công suất hiện có của các nhà máy xử lý nước trên địa bàn Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu dùng nước từ nay đến 2020 và năm 2030, cần phải xây dựng thêm một số nhà máy nước có công suất lớn, sử dụng nguồn nước mặt.
Dự án Xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho ba huyện phía Tây của thành phố và tối thiểu là bốn quận nội thành, trong đó có quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.
Cụ thể, mục tiêu của dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng đến năm 2020 sẽ xây dựng nhà máy nước sông Hồng công suất 300.000 m3/ngày đêm. Vị trí nhà máy sẽ được xây dựng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng trên diện tích khoảng 20,5ha. Dự án được chia làm hai đợt; trong đó, đợt 1 (2015-2018), công suất đạt 150.000m3, đợt 2 đến 2020, công suất là 300.000 m3/ngày đêm.
Phó Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội Trịnh Kim Giang cho biết về công nghệ của nhà máy nước mặt sông Hồng, đây là phương pháp xử lý nước mặt phổ thông, tuy nhiên thiết bị được nâng cấp. Công nghệ xử lý nước mặt gần giống như nhà máy nước mặt sông Đà. Hệ thống ống truyền dẫn sử dụng ống gang dẻo, không dùng ống thủy tinh như nhà máy nước mặt sông Đà luôn gặp sự cố trong thời gian qua.
Về chất lượng nước mặt sông Hồng đã được nghiên cứu theo dõi trong thời gian hàng chục năm đảm bảo để sử dụng sản xuất nước sạch. Việc sử dụng công nghệ phải được lựa chọn kỹ qua nghiên cứu, quan sát theo dõi tần suất, biến động nước ở sông Hồng, dây chuyền công nghệ thiết kế đảm bảo xử lý nước trong mùa khô và mùa lũ, đặc biệt trong mùa lũ nước biến đổi lớn. Chất lượng nước phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế./.