Hà Nội hiện có hơn 10 triệu dân đang cư trú, công tác và học tập nên đòi hỏi lượng nông sản, thực phẩm hàng ngày rất cao. Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhận định: Nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của Hà Nội là rất lớn, mức tiêu thụ trung bình khoảng trên 300.000 tấn lương thực, thực phẩm nông lâm thủy sản/tháng. Hiện Hà Nội mới đáp ứng được 35% nhu cầu trái cây; khoảng 30% nhu cầu gạo; 3% nhu cầu thủy, hải sản tươi, đông lạnh; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm đáp ứng được rất ít; rau, củ đáp ứng được khoảng 55,7% nhu cầu; số lượng còn lại phải nhập của các tỉnh, thành phố và nhập khẩu. Do vậy, Hà Nội là thị trường lớn để tiêu thụ nông sản, thực phẩm của các tỉnh, thành phố, trong đó có nông sản, thực phẩm của tỉnh Hà Nam.
Đoàn kiểm tra một số cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản an toàn tiêu thụ tại tỉnh Hà Nam và cung ứng cho thành phố Hà Nội. |
Hà Nam là tỉnh gần kề với Hà Nội, có giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển, tập kết hàng hóa, có khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích để tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường Hà Nội. Hiện Hà Nam đã quy hoạch gần 20 vùng chuyển đổi trồng rau an toàn, quả chất lượng cao; Thu hút Tập đoàn VinGroup đầu tư vào sản xuất rau an toàn; Hợp tác với Nhật Bản nghiên cứu và trồng thử nghiệm rau quả theo dây chuyền công nghệ Nhật Bản...
Kiểm tra tình hình sản xuất thủy sản tại Hợp tác xã nông sản Bảo An. |
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ước tính trong 8 tháng đầu năm 2019, tỉnh Hà Nam đã cung ứng khoảng 8.000 tấn nông lâm thủy sản, trong đó thịt lợn khoảng 5.200 tấn, gia cầm khoảng 700 tấn (đã qua kiểm dịch), phần còn lại là rau, củ, quả, gạo cho thị trường Hà Nội. Các sản phẩm chủ lực của nông sảnHà Nam có thể kể đến: Dưa bao tử, dứa, vải, cà chua đồ hộp, gạo; Các sản phẩm đặc trưng vùng miền gồm: Cá kho Nhân Hậu, rượu vọc Long tửu, rượu làng Bèo, bánh đa nem làng Chều, bánh đa Kiện Khê, gà Móng Tiên Phong, chuối ngự Đại Hoàng, nấm ăn, bắp cải, su hào. Các sản phẩm đặc trưng vùng miền này đều đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có đầy đủ thông tin về sản phẩm, được người tiêu dùng cả nước biết đến.
Một số hình ảnh về Đoàn kiểm tra, đánh giá Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho thành phố Hà Nội tại tỉnh Hà Nam. |
Với mong muốn tăng cường liên kết giữa các cơ sản sản xuất, chế biến, kinh doanh và xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, tại buổi kiểm tra, đánh giá Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho thành phố Hà Nội tại tỉnh Hà Nam, các ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam đều được ghi nhận. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã nêu bật tầm quan trọng của việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của Hà Nam với các cơ sở trên địa bàn Hà Nội và đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để nông sản Hà Nam có thể tiếp cận được nhiều hơn với người dân Thủ đô.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội làm việc với Ban điều phối Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội. |
Thực hiện: Nguyễn Hoàng My