Thủ đô Hà Nội có lịch sử phát triển hơn 1.000 năm tuổi, đã và đang trong quá trình đổi mới và hội nhập, sẵn sàng “lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững”. Ngày 30/10/2019, thành phố Hà Nội vinh dự là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực thiết kế. Thiết kế sáng tạo cũng phù hợp với tiêu chí phát triển của một Thủ đô trong quá trình hội nhập và phát triển nhưng vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa của mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện để Hà Nội xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với sự phát triển bền vững. Sự kiện này là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Thủ đô Hà Nội. Để thực hiện cam kết, thành phố sẽ cụ thể hóa bằng những chương trình, hành động cụ thể nhằm thúc đẩy tiềm năng, sức mạnh mềm của giá trị ngàn năm văn hiến của Thủ đô.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố kỳ vọng, Hà Nội không chỉ dừng lại ở sự góp mặt với tư cách của một thành viên tham gia, mà tương lai, Hà Nội còn mong muốn là sứ giả, là cầu nối cho các thành phố khác của Việt Nam, các thành phố khác của các nước trong khu vực gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong thời gian tới.
Với việc tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội cũng sẽ trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo trên toàn thế giới. Sự kiện đó đồng thời thể hiện trách nhiệm của Hà Nội đối với khu vực và thế giới trong việc chia sẻ thành công, thúc đẩy sáng tạo và công nghiệp văn hóa, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng vào đời sống văn hóa và quá trình hội nhập văn hóa.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam ông Michael Croft trao công bố Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cho Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN |
Tại buổi lễ, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã trao thư chứng nhận Hà Nội là thành viên chính thức của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO cho lãnh đạo thành phố Hà Nội. Ông Michael Croft khẳng định, việc trở thành Thành phố sáng tạo là sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội bên cạnh danh hiệu Thành phố vì hòa bình, đồng thời nhấn mạnh, giá trị thực sự của danh hiệu này còn mang ý nghĩa và tầm vóc lớn lao hơn. Đó là việc hướng Hà Nội trở thành một Thủ đô sáng tạo, có thể trao quyền cho mọi người dân, có năng lực đa dạng hóa các ngành nghề kinh tế thông qua các ngành công nghiệp sáng tạo để phát triển bền vững. Đây mới chính là cốt lõi của khái niệm Thành phố sáng tạo – một thành phố sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương với các Thành phố sáng tạo khác hay hợp tác đối nội ngay trong chính thành phố mình vì các mục tiêu phát triển bền vững. Ông Michael Croft cũng cho biết, tham gia Mạng lưới này, thành phố Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác với các thành phố thiết kế sáng tạo khác trên thế giới, với các cơ quan hữu quan, với cộng đồng, với khu vực tư nhân nhằm hiện thực hóa nền kinh tế sáng tạo tại Hà Nội.
Cùng với lễ công bố gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố Hà Nội cũng khai mạc lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Lễ hội diễn ra từ ngày 13-15/12 tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, hưởng ứng sự kiện Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Khu vực trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo sẽ giới thiệu 16 làng nghề thủ công truyền thống gồm: Nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ)... Các nghệ nhân làng nghề sẽ trình diễn quy trình thực hành và giới thiệu các sản phẩm nghề thủ công truyền thống có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ phát huy giá trị trong đương đại. Không gian này cũng giới thiệu ứng dụng của nghề thủ công truyền thống đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống như: Nghề may áo dài làng Trạch Xá (huyện Ứng Hoà) với bảo tồn, phát triển áo dài nam ngũ thân của nhóm Đình làng Việt; nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu (huyện Thường Tín) với việc phục chế các hiện vật chất liệu vải cho các bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa, các nghi trượng, đạo cụ, trang phục trong thực hành lễ hội ở cộng đồng và trang phục thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt…
Cùng với lễ công bố gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố Hà Nội cũng khai mạc lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Lễ hội diễn ra từ ngày 13-15/12 tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, hưởng ứng sự kiện Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Khu vực trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo sẽ giới thiệu 16 làng nghề thủ công truyền thống gồm: Nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ)... Các nghệ nhân làng nghề sẽ trình diễn quy trình thực hành và giới thiệu các sản phẩm nghề thủ công truyền thống có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ phát huy giá trị trong đương đại. Không gian này cũng giới thiệu ứng dụng của nghề thủ công truyền thống đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống như: Nghề may áo dài làng Trạch Xá (huyện Ứng Hoà) với bảo tồn, phát triển áo dài nam ngũ thân của nhóm Đình làng Việt; nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu (huyện Thường Tín) với việc phục chế các hiện vật chất liệu vải cho các bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa, các nghi trượng, đạo cụ, trang phục trong thực hành lễ hội ở cộng đồng và trang phục thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt…
Tiết mục văn nghệ chào mừng buổi lễ. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN |
Không gian mỹ thuật dân gian trong đời sống đương đại giới thiệu và triển lãm những tác phẩm nghệ thuật dân gian trong đời sống đương đại với việc sử dụng công nghệ 3D Mapping hiện đại trong triển lãm đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống” nhằm tôn vinh giá trị di sản của tranh dân gian Hàng Trống. Cùng với đó, khu vực này cũng giới thiệu các dòng tranh dân gian Việt Nam, tranh gốm và tranh ghép gốm sứ, tranh thêu tay... Đặc biệt, tại không gian lễ hội lần đầu tiên giới thiệu dòng tranh mới được ghép từ các mảnh lụa, vải... của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc mang tên VỤN ART được sáng tạo, hoàn thành thủ công bởi những nghệ sĩ khuyết tật. Du khách được tham quan, trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân.
Bên cạnh hoạt động triển lãm, trưng bày, tại lễ hội còn trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội sẽ được giới thiệu như: Hát chèo tàu, hát dô, hát xẩm, hát ví, hát trống quân...
Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019 góp phần quảng bá và giới thiệu tới người dân và du khách về di sản văn hóa Thủ đô, các làng nghề thủ công truyền thống với sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo, sản phẩm văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Qua sự kiện, UBND thành phố Hà Nội kêu gọi toàn thể nhân dân Thủ đô cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội từ Thành phố vì hòa bình trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Đinh Thuận