Giới thiệu hoạt động tương tác làm giấy dó, sẽ được tổ chức tại chương trình. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN |
Đa dạng cách tiếp cận
Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long là một địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Công tác giáo dục di sản cho học sinh được Trung Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội quan tâm, nhằm quảng bá, phát huy giá trị di sản, bồi đắp thêm niềm tự hào cho thế hệ trẻ. Từ năm 2016, trung tâm tổ chức chương trình “Em làm nhà khảo cổ”, tạo điều kiện để các học sinh tham quan di sản, tìm hiểu kiến thức và trải nghiệm những hoạt động tương tác thực tế ở “Góc khám phá”. Những trò chơi thú vị đã cho học sinh hiểu được phần nào công việc tìm tòi và bảo quản những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Đây là cách vừa chơi, vừa học tạo sự hào hứng và phù hợp với lứa tuổi, để các em đến với di sản và thêm yêu Thăng Long – Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, chương trình giáo dục di sản thu hút đông đảo học sinh trên địa bàn Hà Nội tham gia. Năm 2016, gần 1.000 lượt học sinh tham gia chương trình, năm 2017 có 1.300 lượt học sinh; từ tháng 4/2018 đến nay đã có 600 lượt học sinh tham gia. Để có được thành công đó, Trung tâm đã tìm tòi, làm mới phương pháp giáo dục di sản.
Tương tự như vậy, từ năm 2017, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp cận cách giáo dục di sản bằng chương trình "Em học làm thuyết minh" đem đến cho học sinh một sân chơi thú vị, khi các em vừa được học lịch sử, vừa được tham gia trải nghiệm và theo đuổi đam mê trở thành thuyết minh viên của mình. Với số lượng 16 buổi trong 2 tháng hè, các em vừa có một trải nghiệm hè đáng nhớ vừa có cơ hội tìm hiểu và tăng thêm tình yêu với môn học lịch sử nói chung cũng như với di tích Hỏa Lò nói riêng. Chị Phạm Thị Hoàng My, cán bộ Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, hè năm 2018 có 40 học sinh đang theo học, đa phần các em đều là người yêu lịch sử. Bên cạnh học các kỹ năng thuyết minh, các em còn được tham gia hoạt động ngoại khóa tại các địa điểm ngoài di tích để thực hành các kiến thức đã học.
Những năm trước, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu về di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho học sinh các trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Năm nay, Trung tâm còn tổ chức thêm cả chuỗi hoạt động hè “Sĩ tử nhí – Chắp cánh ước mơ” cho thiếu nhi. Không gì khác, đây chính là chương trình giáo dục di sản cho thiếu nhi Thủ đô một cách thiết thực, bên cạnh việc tạo sân chơi bổ ích ngày hè cho các em. Vì vậy, ngay từ khi sân chơi được mở ra, đông đảo thiếu nhi đã đăng ký tham gia với tinh thần hào hứng.
Đây là những cách tiếp cận mới trong phương pháp giáo dục di sản cho giới trẻ, không khô khan, cứng nhắc là học sinh nghe thuyết minh, giới thiệu một cách thụ động từ các đơn vị quản lý di sản. Với phương pháp này, học sinh không chỉ được tiếp thu kiến thức từ những bài giới thiệu, mà còn được trải nghiệm, tương tác, tìm hiểu về di sản. Lượng kiến thức đọng lại sẽ ấn tượng hơn trong việc bổ sung những hiểu biết về văn hóa, lịch sử mà các em còn thiếu khi học trên lớp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà nhu cầu học ngoại khóa, tìm hiểu thực tế tại các di sản đang được áp dụng tại nhiều bậc học, từ mẫu giáo tới cả bậc trung học phổ thông.
Tăng cường phối hợp, mở rộng mô hình
Dù được đánh giá là những cách làm hay, mô hình tốt song hoạt động giáo dục di sản tại các di tích thời gian qua vẫn chưa có sự phối hợp tốt giữa ngành văn hóa và ngành giáo dục. Thực tế, các ban quản lý di tích khó huy động kinh phí để xây dựng chương trình dành riêng cho từng đối tượng học sinh. Trong khi đó, các nhà trường không thể dành quá nhiều thời gian để thường xuyên tổ chức chương trình học tập ngoại khóa. Ngoài hai đợt tham quan ngoại khóa được ấn định vào kỳ I và kỳ II mỗi năm học, các trường chỉ cố gắng sắp xếp vào một vài buổi học tăng cường hoặc ngày cuối tuần để bố trí cho học sinh đi trải nghiệm.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giáo dục di sản muốn phát huy hiệu quả, bên cạnh việc đổi mới phương pháp tiếp cận, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, thời gian dạy và học của các trường đều kín là trở ngại trong công tác phối hợp. Với chương trình giáo dục di sản mới, các trường cần lên chương trình phối hợp với đơn vị quản lý di tích, vận dụng thời gian phù hợp để hướng dẫn học sinh tham gia.
Với những hiệu quả mang lại có tính tích cực cho cả học sinh và công tác phát huy giá trị di sản, việc mở rộng mô hình đòi hỏi có những bước đi phù hợp. Công tác phối hợp để mở rộng các mô hình cần sự quan tâm của cả ngành văn hóa lẫn ngành giáo dục trong thời gian tới.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ, từ mô hình này, ngành văn hóa sẽ phối hợp với ngành giáo dục để nhân rộng trên toàn thành phố. Bởi lẽ, ở mỗi địa phương, mỗi làng quê, mỗi xã, phường đều có những di tích gắn liền với truyền thống lịch sử của quê hương. Phương thức giáo dục này sẽ góp phần giáo dục để các học sinh có nhận thức tốt hơn, hiểu biết hơn về những di tích ngay tại địa phương. Tình yêu với di sản sẽ được nhân lên và qua đó cũng góp phần hình thành nhân cách cho các em học sinh.
Đinh Thuận