Hà Nội cần những giải pháp đột phá giải quyết ách tắc giao thông

Hà Nội cần những giải pháp đột phá giải quyết ách tắc giao thông
Hành khách mua vé đi buýt nhanh BRT tại bến xe Kim Mã. Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN
Hành khách mua vé đi buýt nhanh BRT tại bến xe Kim Mã.
Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN

Giải quyết vấn đề giao thông và ô nhiễm môi trường liên quan đến giao thông là vấn đề trọng tâm của thành phố Hà Nội trong nhiều năm qua. Với những nỗi lực của thành phố, ngành Giao thông Vận tải, hoạt động của xe buýt Thủ đô đã đạt được kết quả ghi nhận, không chỉ giải quyết vấn đề đi lại mà còn thay đổi nhận thức của người dân về loại hình vận tải công cộng này, trong đó buýt nhanh BRT là bước đột phá với ưu điểm vượt trột là tiện nghi, đúng giờ và thông tin đầy đủ cho hành khách. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, hiện nay, 30 quận, huyện của thành phố Hà Nội đã có xe buýt được trợ giá, mạng lưới buýt đang phát triển mạnh, dịch vụ được cải thiện, đặc biệt xe buýt nhanh đã đáp ứng được yêu cầu hiện đại, tiện nghi, sạch đẹp và đúng giờ. 

Tuy nhiên, hiện nay lượng hành khách đi xe buýt có xu hướng sụt giảm. Để thu hút hành khách đi xe buýt, Sở Giao thông Vận tải và Tổng công ty Vận tải Hà Nội đang tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện hạ tầng xe buýt thuận tiện, phương tiện tiện nghi hơn, tăng cường điều hành bằng công nghệ cũng như nâng cao ý thức cho đội ngũ nhân viên lái xe, bán vé. Riêng xe buýt nhanh tiếp tục cải thiện hạ tầng để hành khách tiếp cận tốt hơn với các điểm dừng, nhà chờ… thu hút thêm hành khách đi xe buýt. 

Cảm nhận được những ưu điểm vượt trội về chất lượng phục vụ của buýt nhanh BRT, nhưng ông Phạm Đình Đoàn, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị, hiện nay hiệu quả sử dụng làn đường dành riêng của buýt nhanh chưa cao nên cần nghiên cứu để cho buýt thường và phương tiện khác chạy vào để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng trên làn dành riêng. Tăng tần suất buýt nhanh vào các khung giờ cao điểm và giảm tần suất ở giờ thường. 
 
Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trải nghiệm xe buýt nhanh BRT. Ảnh: Tuyết Mai-TTXVN
Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trải nghiệm xe buýt nhanh BRT. Ảnh: Tuyết Mai-TTXVN

Bên cạnh đó, thành phố cần tính đến các giải pháp trung và dài hạn để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông cho Thủ đô như giải bài toán kết hợp xe buýt và đi bộ; tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về tính cấp thiết của việc khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Giải pháp dài hạn, thành phố cần xây dựng thành phố mới cạnh thành phố cũ, cùng với hệ thống giao thông công cộng kết nối thuận tiện. 

Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Đình Đoàn, ý kiến của các đại biểu khác cũng cho rằng, cần phải có những giải pháp trước mắt, trung và dài hạn cho giao thông Thủ đô như: đa dạng các biện pháp truyền thông đến người dân; tăng cường kết nối hệ thống xe buýt với các khu vực đông dân cư, khu đô thị mới; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường bằng việc thay động cơ chạy bằng xăng sang động cơ chạy bằng điện; tiếp tục thay đổi giờ học, giờ làm để giảm lưu lượng phương tiện giao thông vào giờ cao điểm; cải thiện hạ tầng xe buýt nhanh, điểm dừng đỗ thuận tiện, an toàn cho hành khách đi xe buýt, có thể bố trí nhà chờ ở sát lề đường như đối với xe buýt thường. 

Theo báo cáo của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, sau gần 9 tháng đưa vào hoạt động, nhờ chất lượng phương tiện và điều kiện hạ tầng ưu tiên, buýt nhanh BRT đã đạt thành công bước đầu, tỷ lệ chạy đúng giờ của buýt nhanh BRT đạt gần 99%, thu hút được nhiều đối tượng hành khách đi xe buýt như: cán bộ công chức, người cao tuổi, trẻ em. Lượng hành khách trung bình đạt 14.000 khách/ngày, cao điểm 18.000 khách/ngày. Từ tháng 8 đến nay, khi học sinh, sinh viên nhập học, lượng hành khách thường xuyên đạt từ 110 – 120 khách/lượt xe. Bến Kim Mã là điểm đông khách nhất vớilượng hành khách đạt trên 2.000 lượt khách/ngày. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của xe buýt nhanh, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đề nghị thành phố khôi phục lại làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Nguyễn Trãi, nơi có lưu lượng người tham gia giao thông đông nhất. 

Nhìn nhận nguyên nhân khiến lượng hành khách đi xe buýt sụt giảm những năm gần đây là do tình trạng ùn tắc giao thông, lộ trình tuyến buýt quá dài, thời gian chuyến đi kéo dài, mạng lưới kết nối chưa thuận tiện với khu vực ngoại thành, đô thị mới, tiếp cận điểm dừng chưa tốt, chưa thuận tiện cho hành khách; giao thông đi bộ chưa thuận tiện, an toàn; lái xe và nhân viên phục vụ chưa được quản lý đào tạo tốt, chưa thân thiện; còn hiện tượng trộm cắp, móc túi, Sở Giao thông Vận tải đã đưa ra các giải pháp về cải thiện mạng lưới, tăng cường quản lý vận hành, cải thiện hạ tầng, chất lượng phương tiện, tăng cường công tác đào tạo cho lái xe để thực hiện trong thời gian tới. Qua đó, góp phần phát triển giao thông công cộng, thu hút người dân đi xe buýt, tiến tới hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giải quyết ách tắc giao thông trên địa bàn thành phố. 
Tuyết Mai
TTXVN

Có thể bạn quan tâm