Để đảm bảo cho người dân vui Xuân, đón Tết, tỉnh Tuyên Quang đang tập trung triển khai kế hoạch theo dõi, tổng hợp, kiểm tra diễn biến giá cả thị trường và thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa, cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường
Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20/11/2024 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cụ thể các ban, ngành liên quan cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu.
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa xây dựng kế hoạch đảm bảo hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 để tham gia bình ổn thị trường khi cần thiết. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, gây sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Đồng thời, chủ động chuẩn bị phương tiện vận chuyển, cung ứng hàng hóa đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. Bố trí các điểm kinh doanh phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; thực hiện nghiêm việc đăng ký, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Triển khai các hoạt động, chương trình khuyến mại, giảm giá, hưởng ứng Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia nhằm kích cầu tiêu dùng.
Ngay từ cuối tháng 11/2024, Hợp tác xã Nông sản xanh Sáng Nhung (thành phố Tuyên Quang) đã xây dựng kế hoạch phân bổ thực phẩm và nhập hàng hóa để phục vụ nhân dân mua sắm trong dịp cuối năm và chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản xanh Sáng Nhung, hệ thống cửa hàng tiện lợi của hợp tác xã mỗi tháng tiêu thu khoảng 100 tấn lợn thịt và 3 tấn gà.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp cuối năm, hợp tác xã đã chuẩn bị tăng gấp đôi số lượng lợn thịt và gà, nhất là sản phẩm thịt lợn, thịt gà thảo dược và các thực phẩm sơ chế, chế biến sẵn. Đồng thời, chủ động nhập số lượng lớn hơn ngày thường các mặt hàng thiết yếu, hàng Tết, quà tặng như các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh và bổ sung các loại bánh kẹo, mứt Tết, đồ uống, hạt khô để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết.
Tại cửa hàng đồ điện và đồ gia dụng trên đường Viên Châu, phường An Tường, thành phố Tuyên Quang, chị Ma Thị Vương, chủ cửa hàng chia sẻ, chị đã nhập trên 2000 dây và bóng đèn nháy, dây đèn led để phục vụ người dân trang trí nhà cửa vui Xuân, đón Tết. Ngoài những mặt hàng này, cửa hàng còn bổ sung thêm các mặt hàng gia dụng thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân như: bát, đĩa, khay đựng bánh, mứt kẹo, hoa lụa trang trí...
Siết chặt quản lý
Cùng với công tác đảm bảo cung ứng hàng hóa, tỉnh Tuyên Quang cũng đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát thị trường, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và nhận thức của người tiêu dùng trong dịp cuối năm.
Theo ông Lê Mạnh Thao, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang, Cục đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường các huyện, thành phố trong tỉnh chủ động nắm chắc diến biến, tình hình thị trường, tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đặc biệt, thực hiện công tác kiểm tra các mặt hàng trọng điểm, các kho hàng, chợ đầu mối, nơi sản xuất, chế biến kinh doanh trên các địa bàn và tuyến trọng điểm.
Cục Quản lý thị trường sẽ ra quân kiểm tra việc thực hiện công bố tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, đóng gói hàng hóa, quy định về nhãn mác và định lượng hàng hóa.
Bên cạnh đó, kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa; hạn sử dụng, hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; các mặt hàng thực phẩm chế biến và chưa qua chế biến cũng như các điều kiện vệ sinh tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển tàng trữ hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Cũng theo ông Lê Mạnh Thao, tỉnh Tuyên Quang kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Hoàng Hải