Giữ bản sắc qua chiếc nón bằng chất liệu tre nứa

Giữ bản sắc qua chiếc nón bằng chất liệu tre nứa
Anh Dư giới thiệu cho chị em trong xã sản phẩm của mình. Ảnh: K.K.S
Anh Dư giới thiệu cho chị em trong xã sản phẩm của mình. Ảnh: K.K.S
 
Ở các bản làng miền Tây Quảng Trị, phần lớn dụng cụ phục vụ sinh hoạt hàng ngày như pả điên, a chói, a đư, cà ria, ưk khău… đều được đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đan bằng mây, tre nứa.
 
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nét đẹp truyền thống này vẫn trường tồn và tạo nên bản sắc riêng của người Bru-Vân Kiều, Pa Kô (một nhánh của dân tộc Tà Ôi). Anh Hồ Dư (Ăm Dơi,  45 tuổi) ở thôn Húc, xã A Túc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), là nghệ nhân có niềm đam mê đan lát.
 
Năm 2015, trong một lần đan a nooi (cái hoong cơm nếp), anh chợt nảy sinh ý tưởng từ cách đan a nooi có thể cải tiến sang đan chiếc đoan (nón) một cách khá dễ dàng. Ngay sau đó, anh đem suy nghĩ của mình đến gặp Ăm Rủa (80 tuổi), một nghệ nhân đan lát lâu năm ở thôn để trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau làm ra chiếc nón mang phong cách khá độc đáo.
 
Sau gần 1 tuần mày mò, hai nghệ nhân này bước đầu thành công với chiếc nón đan bằng tre nứa. Nếu như cái hoong cơm nếp khi đan phải đảm bảo độ dày 2 lớp ở phần đáy thì đan chiếc nón chỉ cần 1 lớp ở phần đáy (gọi là chóp nón) là đủ. Tuy nhiên, việc uốn tre nứa sao cho chóp nón vừa có độ tròn, vừa đảm bảo độ nhọn đòi hỏi đôi tay nghệ nhân phải hết sức khéo léo.
 
Chiếc nón của anh Dư và ông Ăm Rủa đan theo hình trụ, có 3 cạnh, uốn tròn vành và thân nón bằng tay. Nón gồm có 3 vòng nón (từ to đến nhỏ), thân nón và chóp nón. Để đảm bảo độ bền, không bị thấm nước khi đội dưới trời mưa, các nghệ nhân nghĩ ra cách  bọc một lớp ni lon phía ngoài mặt nón rồi bọc thêm một lớp bao dệt (dùng đựng gạo) ngoài lớp ni lon, sau đó dùng sơn véc ni quét lên lớp bao dệt tạo thẩm mỹ cho nón.
 
Anh Dư chia sẻ: “Dụng cụ làm nón tre nứa rất đơn giản, chúng tôi dùng rựa sắc để chặt, chẻ, vót tre, nứa; dùng kéo và kìm để cắt phần thừa, tạo thẩm mỹ cho nón. Đan loại nón này khá dễ và nhanh hơn đan cái hoong cơm nếp vì quá trình đan chúng tôi không cần dùng đến khung làm nón, vật liệu thì chỉ cần bỏ ra một buổi vào rừng chặt tre nứa là đan đủ cho cả tuần.
 
Tuy nhiên, vì ở vùng sâu nên quá trình đan nón chúng tôi không mua được các sợi dây cước hay dây dù kết nón mà tận dụng các sợi dây từ bao dệt để kết nón cho chắc chắn”. Ngay sau khi sản phẩm đầu tay của anh Dư và Ăm Rủa ra đời, nhiều người dân trong thôn, trong xã đã đến xem và đặt hàng.
 
Chị Hồ Thị Dài ở thôn Pa Lu, xã A Túc, nói: “Tôi có nhờ Ăm Rủa đan giúp một chiếc nón để đội đi làm nương, rẫy. Gần 2 năm rồi mà chiếc nón vẫn còn dùng rất tốt. Tôi thấy loại nón này rất phù hợp với những người thường xuyên đi lao động ngoài trời.
 
Nón tre nứa dày dặn nhưng không nặng đầu, khi đội nón tôi luôn có cảm giác thoải mái. Loại nón này cũng rất tiện, mỗi lúc ngồi nghỉ ở dưới lán hay dưới tán cây mà trời nắng nóng chúng tôi có thể dùng nón thay cho cái quạt tay.
 
Thấy hiệu quả từ chiếc nón tre nứa này, bây giờ, phần lớn chị em ở cụm thôn Húc, Pa Lu đều đặt hàng anh Dư và Ăm Rủa đan để đội”.
 
Sau một thời gian ngắn thành công từ khi đan nón bằng tre nứa, trong năm 2015 anh Dư và Ăm Rủa được Dự án Y tế Hà Lan mời tham dự trưng bày sản phẩm đan lát ở Huế cùng với các nghệ nhân ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế.
 
Tại đây, sản phẩm của họ được đánh giá cao vì vừa lạ, vừa bền. Em Hồ Văn Tháng, gọi anh Dư là cậu ruột hiện đang học tại Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị rất thích thú với chiếc nón tre nứa do anh Dư làm ra.
 
Vì thế, mỗi lần nghỉ học về nhà là Tháng tìm đến nhà nhờ cậu bày cách đan. Bây giờ, Tháng rất vui vì mình đan được nón thành thạo, quyết tâm cùng cậu  duy trì và phát huy nghề đan lát truyền thống.
 
Ở miền núi, đa số các nghệ nhân đan lát chủ yếu phát huy nghề của mình trong các dịp như lễ, tết, mỗi khi vật dụng trong nhà bị hư, đan thêm để tiện có đồ dùng thường nhật hoặc có ai nhờ đan giúp. Nhu cầu mua sắm các đồ dùng tre nứa của người dân nơi đây không cao, bởi vậy các nghệ nhân không sống dựa vào nghề đan lát mà cuộc sống hàng ngày của họ chỉ nhờ vào chăn nuôi, trồng trọt.
 
Anh Dư cho biết thêm: “Với khả năng của tôi và Ăm Rủa, 1 ngày có thể đan được 2 chiếc nón, bình quân 1 chiếc có giá 50 nghìn đồng. Nếu có khách hàng thường xuyên, chúng tôi có thể thu nhập được từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng từ việc đan nón. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có chị em trong thôn và xã đặt làm nón nên sản phẩm của chúng tôi chưa vượt ra khỏi địa phương. Tôi rất muốn được tham gia các lớp tập huấn trang trí, vẽ các họa tiết lên nón tre nứa. Tôi cũng rất mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ các điều kiện để chúng tôi có thể phát triển và quảng bá sản phẩm của mình rộng rãi. Một khi có nhiều khách hàng, chúng tôi có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định hơn”.
 
Bấy lâu nay ở xã A Túc nói riêng và các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung, nghề đan lát còn phát triển nhỏ lẻ, manh mún bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
 
Để giúp người dân vùng khó giải quyết được đầu ra cho sản phẩm đan lát thì trước mắt, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ cho họ thành lập tổ hợp tác sản xuất hoặc nhóm sản xuất các đồ dùng đan lát, trong đó có những sản phẩm làm điểm nhấn như nón tre nứa, pả điên, a chói.
 
Tổ chức các lớp dạy nghề đan lát do các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trực tiếp truyền đạt cách đan các sản phẩm truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô cho thanh niên địa phương; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để người dân tự chủ về nguồn kinh phí đầu tư sản xuất…
 
Đây cũng chính là điều kiện để thu hút các nghệ nhân làm nghề đan lát truyền thống và thế hệ trẻ tại thôn bản tham gia học nghề, góp phần giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của cha ông để lại.
 
Đồng thời, việc phát triển các điểm sản xuất sản phẩm đan lát cũng là điều kiện để phát triển du lịch ở địa phương; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các nghệ nhân là người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Theo baoquangtri.vn

Có thể bạn quan tâm