Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà nghiên cứu Australia mới đây đã phát hiện một loại ký sinh trùng xuất hiện phổ biến trên nhiều loài cá nước ngọt ở bang New South Wales của nước này. Đây là kết quả cuộc nghiên cứu kéo dài 2 năm do Đại học Charles Sturt (CSU), Bộ Công nghiệp Cơ bản bang New South Wales và Trung tâm Thủy sản Narrandera (NFC) phối hợp thực hiện.
Loài ký sinh trùng có tên khoa học là Eustrongylides excisus, được tìm thấy trên một số loài cá bản địa ở bang New South Wales, trong đó có cá tuyết Murray, cá tuyết mũi xanh và các loài cá thuộc họ galaxiid.
Bà Shokoofeh Shamsi - Giáo sư chuyên về ký sinh trùng thú y tại CSU - cho biết nhóm nghiên cứu tìm thấy những con sán lớn nằm trong thớ thịt của những mẫu cá thu nhập từ khu vực đập Cataract gần thành phố Sydney và các con sông trên khắp bang New South Wales. Bà cho rằng phát hiện này “khá đáng ngại” vì người dân thường ăn phần thịt cá này.
Theo Giáo sư Shamsi, kết quả nghiên cứu sâu về ADN của loại ký sinh trùng trên cho thấy nó giống với những ký sinh trùng trước đây từng được phát hiện đã giết chết một số loài chim bản địa của Australia. Bà miêu tả: "Ký sinh trùng (con sán) thực sự đã chui vào và xuyên thủng dạ dày của những con chim, sau đó chui ra khoang bụng của chúng. Nhiều lần chúng tôi tìm thấy một nửa ký sinh trùng nằm ở dạ dày và một nửa còn lại nằm trong khoang bụng của chim”.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy loài ký sinh trùng này đã hoàn thành vòng đời của nó trên cơ thể của 3 loài động vật khác nhau. Ban đầu chúng ký sinh trên một loài động vật không xương sống dưới nước chưa được xác định, có kích thước nhỏ, sau đó chuyển sang ký sinh trên các loài cá. Khi một số loài chim ăn cá, chúng sẽ bị nhiễm ký sinh trùng. Trứng của ký sinh trùng sẽ trôi theo phân của chim xuống nước, bám vào các động vật không xương sống nhỏ bé và tiếp tục vòng đời mới.
Giáo sư Shamsi cho rằng nếu con người ăn cá bị nhiễm ký sinh trùng, loại ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào dạ dày hoặc đường tiêu hóa trong cơ thể, tương tự như ở một số loài chim bản địa. Bà nhấn mạnh điều này khá nguy hiểm, mặc dù đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do nhiễm ký sinh trùng trên. Bà cho biết trong khi hầu hết thông tin về các ca nhiễm chủ yếu ở một số nơi như Mỹ và châu Phi, Australia chưa xác định được số ca nhiễm ký sinh trùng này ở người.
Theo Giáo sư Shamsi, có nhiều loại ký sinh trùng trên cá có thể lây nhiễm sang người, với các triệu chứng điển hình là đau bụng và nôn mửa.
Bà khuyên mọi người không nên quá lo ngại và nên tiếp tục sử dụng các loại hải sản vì con người có thể ngăn ngừa nhiễm ký sinh trùng một cách đơn giản. Theo bà, tất cả những gì con người phải làm là đảm bảo rằng nấu chín cá đúng cách - giống như đối với mọi loại thực phẩm khác như rau, thịt đỏ hoặc thịt gà - nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm.
Lê Đạt