Giảm trung gian bằng liên kết chuỗi Theo ước tính năm 2017, mức tiêu thụ thịt lợn nước ta khoảng 72,3% trong tổng lượng thịt các loại (khoảng 39,6 kg/người/năm), tương đương 29,7 kg/người/năm. Chưa tính lượng lợn nhập khẩu thì chúng ta đã dư khoảng 200.000 tấn lợn, nguyên nhân là do tình hình xuất khẩu tiểu ngạch không còn thuận lợi, lượng xuất qua Campuchia không nhiều, nên cung vượt cầu.
Các chủ trang trại tìm hiểu về sản phẩm thú y được trưng bày tại Hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN |
Chính điều này kéo giá thịt lợn hơi thu mua của nông dân giảm mạnh trong thời gian dài, nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức khá cao, chủ yếu do khâu trung gian. Phân tích vấn đề thương lái ép giá, ông Mai Thế Hào, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tính trung bình giá thịt lợn hơi chỉ khoảng dưới 30.000 đồng/kg. Sau khi giết mổ, tỉ lệ thịt móc hàm là khoảng 75% nhưng giá thịt lợn ngoài thị trường vẫn khá cao. Khi Nhà nước có chỉ đạo về giải cứu, giá bán lợn xẻ thịt giảm còn 40.000 - 60.000 đồng/kg, chỉ bằng 2/3 giá thị trường trước đó nhưng vẫn còn lãi khoảng 1 triệu đồng mỗi con. Thực tế đó chứng tỏ khâu trung gian đã thao túng thị trường và lãi quá nhiều. Từ thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững và giảm tình trạng bị thương lái ép giá, ngành chăn nuôi cần tổ chức lại sản xuất, khuyến khích hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn như chuỗi liên kết dọc, chuỗi liên kết ngang; liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất thức ăn, người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; liên kết chăn nuôi – giết mổ - bán buôn như một số doanh nghiệp lớn đang thực hiện. Theo Đại diện Liên minh Nông nghiệp bền vững, việc thiếu sự liên kết trong sản xuất, từ người nông dân đến doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng nên dẫn đến phát triển thiếu bền vững thời gian qua. Do vậy, cần phải liên kết cung cầu và tạo cầu nối liên kết các đơn vị sản xuất và các doanh nghiệp thu mua để phát triển bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi.
Đại biểu tìm hiểu về sản phẩm được chế biến từ thịt lợn của các doanh nghiệp. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN |
Cùng quan điểm trên, theo ông Mai Thế Hào, quan trọng nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt trung gian và chấm dứt hành vi gian lận khác. Cần tính toán lại nhu cầu tiêu thụ nội địa với nhu cầu xuất khẩu, tạo điều kiện cần thiết, cơ sở vật chất cho chăn nuôi, giết mổ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (chính ngạch). Về lâu dài, cần phát triển chăn nuôi trong vùng được quy hoạch, có cơ chế chính sách đặc thù để giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng nhanh chăn nuôi quy mô lớn, trang trại tập trung, công nghiệp.Khả năng tăng đàn không nhiều Sau đợt giảm giá kéo dài trước đó, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ (dưới 200 con) đã từ bỏ hẳn chăn nuôi hoặc chuyển sang nuôi vật nuôi khác. Những năm trước đây, các hộ tư nhân với quy mô sản xuất nhỏ cung ứng gần 70% tổng lượng thịt lợn. Đây là lực lượng chăn nuôi còn nhiều rủi ro, bất ổn, giá thành lợn hơi khá cao khoảng 36.000 – 37.000 đồng/kg, do công nghệ chăn nuôi chưa tốt, con giống đắt, thức ăn cao, chi phí về thú y lớn… Số liệu thống kê 4/2018 cho thấy, lượng lợn nái cả nước giảm 10,79%; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhiều nhất với khoảng 31,27%, vùng Nam Bộ giảm 18,73%. Gần đây, giá thịt lợn hơi trong khu vực liên tục tăng cao, khoảng 45.000 – 50.000 đồng/ kg và có lúc cao hơn, tạo tâm lý tích cực cho người chăn nuôi. Ông Mai Thế Hào đánh giá, một số hộ chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục nuôi trở lại, nhưng để tăng đàn phụ thuộc rất nhiều vào đàn nái, vốn cần thời gian khoảng một năm trở lên. Vì vậy, đàn lợn hơi sẽ không tăng cao đột biến mà tăng dần lên vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Khi đó, giá thịt lợn cũng giảm dần theo quy luật thị trường (trừ trường hợp đặc biệt như bị thao túng thị trường, nhập khẩu thịt quá nhiều...).
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN |
Để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao đến nơi có mật độ dân cư thấp, hình hành các cùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xa thành phố khu dân cư. Trong từng trang trại, cần có vùng đệm cách ly dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh và quản lý môi trường; ứng dụng các công nghệ trong chăn nuôi... Ông Bùi Hồng Quân, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Sinh học và Ứng dụng vi sinh miền Nam chia sẻ, nông dân có thể sử dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi lợn hướng tới chăn nuôi hữu cơ, mang lại nhiều lợi ích. Các chất vi sinh sẽ giúp vật nuôi thèm ăn, tăng trọng nhanh một cách tự nhiên; giảm bệnh, giảm phụ thuộc và làm dụng kháng sinh; chuồng trại sẽ giảm mùi hôi, hạn chế gây ô nhiễm môi trường./.
Tiến Lực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN