Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2021: Nghiên cứu chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, phát triển bền vững ngành thủy sản

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2021: Nghiên cứu chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, phát triển bền vững ngành thủy sản

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng hàng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm khích lệ, tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021 có 4 đề cử cho hai giải thưởng chính và hai giải thưởng trẻ của hai ngành khoa học là: khoa học trái đất và sinh học nông nghiệp.

Là một trong hai đề cử giải thưởng chính của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021, công trình khoa học “Bổ sung beta-glucan trong khẩu phần cải thiện năng suất tăng trưởng, số lượng vi khuẩn Vibrio, các thông số huyết học và khả năng chống stress của cá chim vây ngắn Trachinotus ovatus Linnaeus, 1758” của Tiến sỹ Đỗ Hữu Hoàng, Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và các cộng sự Huỳnh Minh Sang, Nguyễn Thị Thanh Thủy được đánh giá là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam và thế giới về việc tính toán hàm lượng chất beta-glucan tối ưu đem lại hiệu quả sinh trưởng tốt nhất trên cá chim vây ngắn, một loại hải sản nuôi có tiềm năng kinh tế lớn.

Giá trị thực tiễn cao


Hiện nay, nhu cầu thủy hải sản của con người ngày càng tăng trong khi nguồn lợi tự nhiên đang giảm sút. Vì vậy, ngành nuôi trồng thủy hải sản phát triển nhanh và đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm cho con người. Trong nuôi trồng thủy hải sản, việc sử dụng kháng sinh nhằm nâng cao sức khỏe, sản lượng nhưng gây hại đến môi trường, sức khỏe con người nên bị cấm sử dụng ở nhiều nước châu Âu và Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu tìm kiếm các chất thay thế kháng sinh là vấn đề quan trọng để phát triển bền vững ngành thủy sản được các nhà khoa học và quản lý quan tâm.

Beta-glucan là một trong những chế phẩm sinh học có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh trên nhiều loài thủy sản, không gây tác hại cho môi trường cũng như sức khỏe con người, mang lại hiệu quả cao trên nhiều loài thủy hải sản khác nhau. Beta-glucan là một trong những chất kích thích miễn dịch đã được công bố tại các công trình nghiên cứu trên thế giới. Mặc dù lợi ích của beta-glucan đã được phát hiện trên nhiều đối tượng thủy hải sản nhưng riêng đối với loài cá chim vây ngắn chưa có công trình nghiên cứu nào, vì vậy, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài đánh giá ảnh hưởng của beta-glucan lên sinh trưởng và sức khỏe của cá chim vây ngắn.

Tiến sỹ Đỗ Hữu Hoàng cho biết, việc sử dụng beta-glucan trên cá nuôi được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và chỉ ra hiệu quả như tăng sinh trưởng, tỉ lệ sống, nâng cao sức khỏe, làm tăng năng suất cá nuôi, nhưng chưa có báo cáo trong nước và trên thế giới về tác dụng có hại của beta-glucan đối với vật nuôi và môi trường. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, xu thế phát triển nuôi trồng trên thế giới và Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đề xuất nghiên cứu áp dụng beta-glucan trên cá chim vây ngắn, là đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao.

Hiện ở Việt Nam, các nghiên cứu về beta-glucan đã xuất hiện nhưng vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ có một vài nghiên cứu xuất bản trong nước khi áp dụng trên cá tra của Đại học Nông Lâm, Đại học Cần Thơ hay cá mú ở Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Đại học Nha Trang... Trong khi đó, mỗi loại cá tôm lại có nhu cầu bổ sung beta-glucan khác nhau, chưa kể đến hàm lượng bổ sung cũng phụ thuộc vào các giai đoạn phát triển vật nuôi, tình trạng sinh lý của từng loài. Bên cạnh đó, cá chim vây ngắn là một đối tượng nuôi biển mới chưa từng được nghiên cứu với chế phẩm sinh học này, có nhiều tiềm năng, sinh trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon và giá trị kinh tế cao - nhưng chỉ sinh sản một năm một lần vào sau Tết Nguyên đán.

Nhóm nghiên cứu tìm hiểu nhiều nơi để tìm cá giống có sức khỏe tốt, kích thước đồng đều để thí nghiệm và xác định được công thức nền đáp ứng các yêu cầu đặt ra với sự phối trộn của bột cá, gluten, đậu tương, dầu cá, chất kết dính, khoáng chất tổng hợp, vitamin tổng hợp và tinh bột ngô theo một tỉ lệ thích hợp cho cá.

Tiến sỹ Đỗ Hữu Hoàng và các cộng sự đã nỗ lực tổng hợp tài liệu để chọn lựa công thức thức ăn nền có các thành phần không có hoặc chứa rất ít beta-glucan; tìm ra dao động hàm lượng beta-glucan đã sử dụng trên các đối tượng thủy hải sản khác để tiến hành thí nghiệm hàm lượng beta-glucan bổ sung vào thức ăn cho cá chim vây ngắn.

Tiến sỹ Đỗ Hữu Hoàng cho biết, từ năm 2019, nhóm đã thực hiện đánh giá hiệu quả sử dụng dinh dưỡng và sử dụng thức ăn của cá chim vây ngắn cũng như hệ số chuyển đổi thức ăn FCR. Sau đó, nhóm thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả của việc kết hợp chất beta-glucan với chất mannan oligosaccharides lên sinh trưởng, miễn dịch cũng như biểu hiện gen của cá chim vây ngắn để có thể có những khuyến cáo thiết thực cho người dân.

Thành tựu khoa học được đánh giá cao


Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Lâm, Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), thành viên Hội đồng khoa học Quỹ Nafosted - Đơn vị tài trợ Công trình “Bổ sung beta-glucan trong khẩu phần cải thiện năng suất tăng trưởng, số lượng vi khuẩn Vibrio, các thông số huyết học và khả năng chống stress của cá chim vây ngắn Trachinotus ovatus Linnaeus, 1758” cho biết: Kết quả nghiên cứu của công trình không những mang lại ý nghĩa về mặt khoa học khi biết tốc độ sinh trưởng của vật nuôi giảm theo tuổi hay kích thước của chúng. Đồng thời, giá trị thực tiễn mà nghiên cứu này mang lại là không cần thiết phải bổ sung nhiều hơn nhu cầu thực tế của cá nuôi. Mặt khác, nghiên cứu bổ sung beta-glucan làm giảm số lượng vi khuẩn Vibrio trong ruột cá đã khẳng định hiệu quả của beta-glucan lên sức khỏe cá nuôi, hạn chế sự phát triển vi khuẩn gây bệnh Vibrio và còn có ý nghĩa nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá nuôi cho ăn thức ăn có bổ sung beta-glucan.

Công trình “Bổ sung beta-glucan trong khẩu phần cải thiện năng suất tăng trưởng, số lượng vi khuẩn Vibrio, các thông số huyết học và khả năng chống stress của cá chim vây ngắn Trachinotus ovatus Linnaeus, 1758” của Tiến sỹ Đỗ Hữu Hoàng và cộng sự được Tạp chí Fish & Shellfish Immunology - một tạp chí có uy tín quốc tế trong lĩnh vực khoa học về nước đăng tải.

Kết quả đề tài cho thấy, cá ăn bổ sung hàm lượng beta-glucan thích hợp sẽ chống chịu cao hơn với sự giảm độ mặn, điều này mang lại ý nghĩa thực tiễn to lớn vì bổ sung beta-glucan có thể giúp cá nuôi tăng sức chống chịu với căng thẳng môi trường, làm giảm tỷ lệ chết, đem lại hiệu quả sản xuất cao cho người nuôi. Đồng thời, bổ sung hàm lượng cần thiết giúp cân đối giá thành thức ăn, tránh sử dụng hàm lượng cao hơn nhu cầu cá nuôi, vừa kiềm hãm sinh trưởng vật nuôi và làm tăng giá thành thức ăn.

Trong nhiều công trình nghiên cứu về chế phẩm sinh học trên cá ở Việt Nam và trên thế giới, rất ít công trình nghiên cứu để tìm ra hàm lượng chất bổ sung tối ưu nhằm đem lại sinh trưởng cao nhất của cá nuôi, nâng cao năng suất và giảm giá thành chi phí sản xuất trong nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, công trình đem lại ý nghĩa khoa học và thực tiễn sản xuất cao.

Ở Việt Nam, cá chim vây ngắn là đối tượng nuôi mới, sinh trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon và giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, cá chim vây ngắn khoảng từ 0,8-1kg/con được bán với giá 200.000-350.000 đồng/kg.

Để mở rộng ứng dụng, thời gian tới, nhóm nghiên cứu của Tiến sỹ Đỗ Hữu Hoàng sẽ triển khai thực nghiệm trên quy mô nông trại; đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao hiệu quả của việc bổ sung beta-glucan, góp phần thúc đẩy việc nuôi cá chim vây ngắn - đối tượng nuôi có chất lượng và giá trị kinh tế cao tại Việt Nam.

Hoàng Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm