Giải quyết đầu ra cho nông sản - Bài 1

Giải quyết đầu ra cho nông sản - Bài 1
Trong bối cảnh đó, thúc đẩy tiêu thụ nội địa và chế biến được coi là chìa khóa giúp nâng cao giá trị và đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản.
Một điểm "giải cứu" dưa hấu tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết - TTXVN
Một điểm "giải cứu" dưa hấu tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết - TTXVN

Bài 1: Doanh nghiệp thực phẩm là đầu tầu
Những tháng đầu năm 2020, hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng đã gánh chịu những thiệt hại không nhỏ từ dịch COVID-19. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới góp phần tiêu thụ nông sản cho người nông dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. 

Xuất khẩu tươi gặp khó
Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 2/2020 đạt 200 triệu USD, giảm 28,8% so với tháng 1 và giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 481 triệu USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thị trường Trung Quốc chiếm tới 60 - 70% kim ngạch xuất khẩu rau quả hàng năm của Việt Nam, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên có thời điểm việc xuất khẩu sang thị trường này bị gián đoạn.
 
Đến nay, mặc dù hoạt động thương mại đã được nối lại nhưng do yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và sức tiêu thụ giảm nên sản lượng và giá trị xuất khẩu nhiều loại rau quả tươi vẫn còn thấp dẫn đến nhiều mặt hàng như thanh long, dưa hấu, sầu riêng…bị ứ đọng. Nếu dịch bệnh kéo dài thì kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm nay có thể bị sụt giảm đáng kể.
 
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong khi thanh long có thể xuất khẩu sang một số thị trường khác ngoài Trung Quốc thì dưa hấu, sầu riêng… chỉ mới xuất khẩu sang Trung Quốc, do đó khi thị trường Trung Quốc gặp sự cố, một lượng lớn dưa hấu Việt Nam bị ứ đọng và đang phải hỗ trợ tiêu thụ.
 
Mặc dù chưa vào chính vụ nhưng nhiều nhà vườn trồng sầu riêng đã bắt đầu lo lắng, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Định, tỉnh Đồng Nai thông tin, hiện nay sầu riêng đang ra trái hàng loạt, dự tính vài tháng nữa sẽ cho thu hoạch số lượng lớn.

Đáng chú ý, đầu ra của các vùng trồng sầu riêng lớn hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nếu giao thương khó khăn và thị trường Trung Quốc không sớm khôi phục sức mua thì khả năng sầu riêng vào vụ chính cũng gặp tình trạng tương tự như dưa hấu hiện nay.
 
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, với tình hình dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức ở nhiều khu vực, trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Đông Á, châu Âu…xuất khẩu nông sản, rau quả tươi sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới.
 
Mặt khác, do trình độ canh tác của nông dân Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn nên sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhiều nước, vì vậy việc tìm kiếm thị trường thay thế trong thời gian ngắn là chưa khả thi.
 
Trong bối cảnh hiện nay, nông dân cần nắm chắc diễn biến dịch bệnh để điều tiết sản xuất, thực hiện rải vụ, cân đối cung cầu, tránh dư thừa sản lượng gây ứ đọng cục bộ.
 
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng khuyến cáo nhà vườn cân nhắc quy mô sản xuất, chỉ canh tác "cầm chừng" đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước để giữ giá cho nông sản. Đây cũng là thời gian người dân nên cho đất nghỉ ngơi, phục hồi dinh dưỡng đến khi dịch bệnh qua đi và nhu cầu thị trường phục hồi có thể tăng cường sản xuất.
 
Khi doanh nghiệp thực phẩm vào cuộc
Thời gian gần đây, các sản phẩm bún dưa hấu, bánh tráng thanh long đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm tìm mua bởi màu sắc bắt mắt và hương vị trái cây đặc biệt. Đó là sản phẩm mới của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. 
Dưa hấu cần "giải cứu" được bày bán khá rẻ tại các siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết - TTXVN
Dưa hấu cần "giải cứu" được bày bán khá rẻ tại các siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết - TTXVN

Anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh cho biết, xuất phát từ việc mua dưa hấu, thanh long ủng hộ các vựa trái cây tiêu thụ nông sản, anh đã nảy ra ý tưởng thử dùng nước ép dưa hấu và thanh long vào sản xuất bún, bánh tráng để gia tăng hương vị và màu sắc cho sản phẩm.
 
Dưa hấu, thanh long thu mua trực tiếp từ nông dân ở Long An, Gia Lai và Bình Thuận, sau khi gọt vỏ, bỏ hạt, được ép lấy nước cốt, dùng thay thế một phần nước trong công thức chế biến bún khô và bánh tráng. Bún được làm từ bột gạo và nước cốt dưa hấu màu đỏ sau khi sấy khô lại cho ra màu cam lạ mắt, khi chế biến có mùi thơm của dưa hấu. Trong khi đó bánh tráng thanh long được làm từ bột gạo và nước ép thanh long ruột đỏ cho ra sản phẩm có màu hồng bắt mắt và vị ngọt nhẹ.
 
"Là một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, Duy Anh sản xuất bún dưa hấu, bánh tráng thanh long không chỉ vì muốn "giải cứu" nông sản trong ngắn hạn mà xem đó là một chiến lược phát triển sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn trong việc chế biến món ăn", anh Lê Duy Toàn chia sẻ.
 
Trung bình mỗi ngày công ty Duy Anh đang tiêu thụ từ 1-1,2 tấn dưa hấu và 300kg thanh long ruột đỏ vào việc chế biến bún và bánh tráng. So với các sản phẩm bún khô, bánh tráng truyền thống (làm từ bột gạo và nước) thì chi phí sản xuất bún dưa hấu, bánh tráng thanh long cao hơn khoảng 30%.
 
Tuy nhiên, sau một thời gian đưa ra thị trường, các sản phẩm này nhận được phản hồi rất tích cực từ cả người tiêu dùng trong nước lẫn nước ngoài. Hiện nay công ty Duy Anh đã nhận được đơn hàng xuất khẩu bún dưa hấu, bánh tráng thanh long đi Hàn Quốc, Canada, Mỹ…
 
Ngoài Công ty Duy Anh, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản bằng công nghệ chế biến. Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ bột mỳ (Vikybomi) thông tin, doanh nghiệp này đã hoàn thiện công thức sản xuất các sản phẩm từ bột mì kết hợp với các loại trái cây như thanh long, dưa hấu.
 
Theo bà Huỳnh Kim Chi, thời gian gần đây khi nhiều loại nông sản tươi bị ứ đọng, giá nông sản giảm sâu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà và các chuyên gia chế biến của công ty đã nghiên cứu công thức và làm thử nghiệm các sản phẩm bánh mì da beo kết hợp với thanh long ruột đỏ, mỳ tươi thanh long…
 
Các sản phẩm này đã được giới thiệu ra thị trường để thăm dò ý kiến người tiêu dùng và nhận được phản hồi rất tích cực, đặc biệt là mì tươi thanh long hiện rất hút khách.
 
"Do đặc thù là nhà cung cấp nguyên liệu nên sắp tới chúng tôi sẽ không trực tiếp chế biến và phân phối bánh mì thanh long, mỳ tươi thanh long mà sẽ chuyển giao miễn phí công thức sản xuất các sản phẩm trên đến các doanh nghiệp chế biến có nhu cầu phát triển sản phẩm. Như vậy số lượng nông sản được tiêu thụ sẽ tăng thêm nhiều lần so với mức khoảng 500 -600kg thanh long/ngày hiện nay của công ty. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các công thức chế biến sản phẩm mới từ nông sản để góp phần hỗ trợ bà con nông dân", bà Chi chia sẻ.
 
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, việc doanh nghiệp mạnh dạn nghiên cứu và cho ra sản phẩm chế biến mới từ các loại nông sản là "điểm sáng" trong bối cảnh cả nền kinh tế phải gồng mình tìm cách ứng phó với dịch COVID-19. Những ý tưởng trên không chỉ hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản mà còn tạo ra sự đa dạng, phong phú về chủng loại sản phẩm. Đó cũng là minh chứng cho thấy tính nhạy bén và khả năng sáng tạo của doanh nghiệp trong việc biến khó khăn, thách thức thành cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình./.
 Xuân Anh
Bài cuối: Chiến lược phát triển dài hơi
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm