Giải pháp giúp Long An tăng chỉ số năng lực cạnh tranh

Giải pháp giúp Long An tăng chỉ số năng lực cạnh tranh
Phóng viên: Ông có thể cho biết thời gian qua, tỉnh Long An đã có giải pháp gì để  PCI của tỉnh tăng vượt bậc từ hạng 15 (năm 2016) lên hạng thứ 4 (năm 2017) như vậy?
 
Ông Trần Văn Cần: Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2016 của tỉnh Long An đứng vị trí thứ 15 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm tốt với 60,65 điểm; giảm 6 bậc và giảm 0,19 điểm so với năm 2015. Từ kết quả chưa được cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban ngành tỉnh đã tập trung vào việc tìm hiểu nguyên nhân, để từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Giải pháp giúp Long An tăng chỉ số năng lực cạnh tranh ảnh 1
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần phát biểu tại Hội nghị tổng kết xây dựng NTM năm 2017, triển khai phương hướng nhiệm vụ 2018. Ảnh: Báo Long An online
 
Theo đó, tỉnh Long An tìm ra nguyên nhân đó là, tỉnh đã thực hiện chọn lọc ngành nghề trong thu hút tiếp nhận đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp; quy định về ngành nghề không tiếp nhận, hạn chế tiếp nhận; điều chỉnh lại quy hoạch ngành nghề trong khu, cụm , trung công nghiệp.

Đây là chủ trương  bảo đảm cho sự ổn định, phát triển bền vững. Tuy nhiên, điều này bước đầu phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp. Khi VCCI khảo sát ngẫu nhiên ở những nhà đầu tư này thì không tránh khỏi có điểm số thấp.
 
Thời điểm đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh mới đi vào hoạt động, thời gian đầu vận hành chưa tốt trong khâu phối hợp giữa các ngành, khâu kỹ thuật, phần mềm xử lý... dẫn đến nhiều hồ sơ trễ hạn, doanh nghiệp vẫn còn phải liên hệ trực tiếp với bộ phận nghiệp vụ các sở ngành để được giải quyết đã gây mất thời gian và lòng tin doanh nghiệp.
 
Tỉnh cũng chưa có sự chủ động của các ngành và địa phương trong việc đề xuất tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, nhất là các vấn đề mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ ràng. Chưa có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc giải quyết các vụ việc liên quan doanh nghiệp.
  
Các sở, ngành và địa phương chưa thật sự quan tâm đến vấn đề đạo đức công vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức đơn vị mình trong hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý các vấn đề của doanh nghiệp. Đồng thời, xem việc tạo điều kiện, môi trường tốt cho doanh nghiệp hoạt động là trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể cơ quan nhà nước (kể cả các đơn vị sự nghiệp).
 
Từ đó, tạo nên tâm lý cho hầu hết các doanh nghiệp nghĩ rằng, phải có mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước để được giải quyết thuận lợi đề nghị của mình. Một số cá nhân lợi dụng để hứa hẹn thực hiện các thủ tục cho doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
 
Chính từ việc tìm hiểu, phân tích đúng những nguyên nhân trên, Long An đã tập trung khắc phục giải quyết và kết quả như trên. Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, lãnh đạo tỉnh có chủ trương năng động, thân thiện và tính năng động này đang dần được thực hiện tốt ở Sở, ngành và cấp huyện, cũng như trong công tác tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện vai trò ngành mình....
 
Vì vậy, PCI năm 2017 của tỉnh Long An đã vươn lên đứng  vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Tốt với 66,70 điểm; tăng 11 bậc và tăng 6,05 điểm so với năm 2016.

Đặc biệt, Long An có 5 chỉ số thành phần cải thiện rất tốt, điểm số tăng cao; trong đó, có 2 chỉ số có điểm số cao hơn cả 3 tỉnh Top 3 (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp) gồm: Tính năng động của chính quyền tỉnh; Thiết chế pháp lý;  Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Chi phí không chính thức.
 
Phóng viên: Vậy, để tiếp tục giữ vững thứ hạng PCI, trong thời gian tới, Long An đã đặt ra giải pháp gì, thưa ông?
 
Ông Trần Văn Cần: Với quyết tâm giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Long An tập trung thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư hiệu quả.

Đồng thời, tổ chức đối thoại, họp mặt doanh nghiệp trong và ngoài nước để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cải tiến hoạt động trang thông tin điện tử cơ quan, chủ động đăng tải các thông tin liên quan doanh nghiệp (dự án kêu gọi đầu tư, quy định quy trình tiếp nhận đầu tư, thông tin kinh tế - xã hội,…) theo quy định.
 
Tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể đề án vườn ươm doanh nghiệp. Trước mắt, là chương trình khởi sự doanh nghiệp; kiên quyết thực hiện giải quyết thủ tục hành chính bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Ngoài ra, chủ động trao đổi thông tin với các sở ngành, địa phương để tiếp tục kiểm tra, rà soát dự án, tiếp tục tham mưu xử lý các dự án chậm triển khai theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp.
 
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2 (2016 -2020) và năm 2018 theo hướng xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ.

Nâng cao chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cải cách hành chính có tập trung vào các vấn đề còn bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
 
Cùng với việc chú trọng  cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục hành chính, tỉnh sẽ tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, tiến tới nâng cấp trực thuộc UBND tỉnh.
  
Song song đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn tất công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với tổ chức, hộ gia đình cá nhân để người sử dụng đất được thực hiện đầy đủ các quyền theo quy định pháp luật đất đai.

Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ công chức ngành tài nguyên và môi trường để không xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các nhiệm vụ ngành.../.
  
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
 Thanh Bình (Thực hiện)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm