Ảnh minh họa - TTXVN |
Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái đang thực hiện đề tài đánh giá ảnh hưởng của phân hữu cơ vi sinh đối với cây cam tại huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Anh Hoàng Minh Tuân, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái cho biết, đề tài Trung tâm đang triển khai tại hai mô hình trên hai nhóm cây cam đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và cam đã cho thu hoạch. Kết quả bước đầu cho thấy, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh giúp cây cam sinh trưởng tốt, đất đai tơi xốp hơn, góp phần đáng kể hạn chế việc sử dụng phân vô cơ thường là nguyên nhân gây thoái hoá đất. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục có những đánh giá, đồng thời sẽ hỗ trợ kỹ thuật để nông dân sử dụng hiệu quả loại phân bón này trong sản xuất.
Năm 2016, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã xây dựng thành công nhãn hiệu cho vùng cam của mình. Từng bước nâng cao giá trị thương hiệu, huyện Văn Chấn cũng đang hướng tới phát triển vùng cam sạch, bền vững; trong đó, phân hữu cơ vi sinh sẽ là một trong những giải pháp kỹ thuật giúp nâng cao giá trị, chất lượng quả cam Văn Chấn.
Thực hiện thí nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh với 300 gốc cam, kết hợp với bón cho 300 gốc bảo vệ, vườn cam đang trong giai đoạn kiến thiết của gia đình bà Trần Thị Luận, thôn Đồng Thập, xã Minh An (Văn Chấn, Yên Bái) đang sinh trưởng, phát triển tốt. Bà Luận cho biết, những gốc cam được bón phân hữu cơ vi sinh cây xanh hơn, lá dày hơn, ra nhiều lộc. Đó là dấu hiệu cho thấy cây sẽ đậu nhiều quả, chất lượng tốt. Đất ở xung quanh các gốc cam được bón loại phân này cũng tơi xốp, không khô cứng như ở các gốc cam sử dụng nhiều phân vô cơ.
Hơn 300 gốc cam đã cho thu hoạch quả của nhà anh Nguyễn Danh Tiến, thôn An Thái, xã Minh An (Văn Chấn, Yên Bái) cũng được Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái hỗ trợ kỹ thuật và phân bón trong đề tài đánh giá hiệu quả của phân hữu cơ vi sinh đối với cây cam. Anh Tiến cho biết, cán bộ của Trung tâm thường xuyên xuống tận vườn của gia đình để hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn công thức bón phân, thời gian sử dụng phân bón… Đối với diện tích cam có sử dụng phân hữu cơ vi sinh đã giúp cây cam hạn chế được nhiều loại nấm mốc, quả giữ được lâu hơn, ít thối rụng hơn… Hiện tại, dù đã cuối vụ nhưng gia đình vẫn còn khoảng 10 tấn quả, thời gian tới thu hoạch có thể bán với giá cao gấp đôi thời điểm chính vụ.
Năm 2016, ông Nguyễn Trịnh Huy, thôn Đầm Vông, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái (Yên Bái) đã sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh được tái chế từ rác hữu cơ cho hơn một mẫu rau an toàn của gia đình mình. Đánh giá hiệu quả của loại phân bón này, ông Huy cho biết, so với phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh giúp cây trồng hạn chế được sâu bệnh, nấm mốc, lại giúp cải tạo đất, trong khi đó, năng suất, chất lượng sản phẩm rau quả tương đương với khi sử dụng phân chuồng. Giá thành ngang nhau nhưng khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh, người nông dân bớt được công sức phải ủ phân chuồng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trước kia, mỗi năm gia đình ông Huy đều phải đầu tư từ 5-6 triệu tiền mua phân chuồng. Sau đó, phải tiến hành ủ từ 1,5 – 2 tháng cho phân hoai mục mới có thể tiến hành bón cho rau. Ông Huy chia sẻ, bây giờ gia đình đang dần thay thế toàn bộ việc sử dụng phân chuồng bằng phân hữu cơ vi sinh. Sau khi sử dụng thử nghiệm mang lại kết quả tốt, gia đình đã mua 1 tấn để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Tới đây, gia đình sẽ tiếp tục thử nghiệm sử dụng cho một số diện tích cây ăn quả lâu năm. Trong thôn, nhiều hộ trồng rau cũng đã nhận thấy hiệu quả và đang dần chuyển đổi sang sử dụng loại phân bón này.
Ông Trần Tất Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái (Yên Bái) cho biết, Đầm Vông là một trong những thôn có diện tích trồng rau lớn của xã Âu Lâu với hơn 2,3ha. Việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh với sự hỗ trợ phân bón ban đầu của doanh nghiệp đến tận tay người nông dân đã bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cối sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng được bảo đảm, trong khi đó, đất đai của bà con được cải tạo, tơi xốp, màu mỡ hơn. Sự phối hợp giữa nông dân với doanh nghiệp thời gian tới trong cung ứng phân bón và hỗ trợ kỹ thuật nếu chặt chẽ và mở rộng sẽ còn mang lại hiệu quả tốt hơn nữa.
Phân bón hữu cơ vi sinh được Nhà máy Xử lý rác thải - Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành, tỉnh Yên Bái tái chế từ rác thải hữu cơ theo chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh Yên Bái. Với công suất thiết kế có thể xử lý 150 tấn rác/ngày, toàn bộ rác thải tại thành phố Yên Bái và các huyện lân cận đã được thu gom, vận chuyển về nhà máy để phân loại, xử lý, làm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy. Công suất mỗi năm đạt từ 1.500-2.000 tấn phân hữu cơ vi sinh và những triển vọng từ hiệu quả của loại phân bón này đối với nông nghiệp xanh, một hướng đi mới, kết hợp sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường đã được mở ra.