Chiều 8/10 (giờ Việt Nam), Ủy ban giải Nobel tại Oslo (Na Uy) đã công bố giải Nobel Hòa bình 2021 thuộc về nhà báo điều tra người Mỹ gốc Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov.
Maria Angelita Ressa, sinh năm 1963, là một nhà báo nổi tiếng gốc Philippines. Bà là đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của tờ Rappler, tờ báo điện tử có nhiều đột phá về công nghệ và những bài điều tra công phu. Bà là người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel năm nay, bởi trước đó chủ nhân các giải về Y sinh, Vật lý, Hóa học, Văn chương đều là nam giới. Trong khi đó, Dmitry Muratov là chủ bút tờ báo tiếng Nga Novaya Gazeta (Báo Mới), vốn nổi tiếng với những bài báo chống tham những và bảo vệ nhân quyền.
Giải Nobel Hòa bình được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1901 và cho tới nay đã có tổng cộng 101 giải được trao. Có 25 tổ chức và 17 phụ nữ là chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình.
Nobel Hòa bình là giải thứ 5 được công bố trong mùa giải Nobel năm 2021. Mùa giải Nobel 2021 sẽ khép lại vào ngày 11/10 tới khi chủ nhân giải thưởng cuối cùng là Nobel Kinh tế được xướng tên.
Các giải Nobel Hòa bình trong 10 năm gần đây
- Năm 2020: Giải Nobel Hòa bình 2020 thuộc về Chương trình lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) vì những nỗ lực chống nạn đói, tạo điều kiện tốt hơn cho hòa bình ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột và đóng vai trò là động lực trong các nỗ lực ngăn chặn tình trạng lợi dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh và xung đột. Các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, đặc biệt là tại châu Phi, mà còn đóng góp cho sự ổn định và an ninh toàn cầu. WFP là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới, giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Năm 2020, khi thế giới bị chi phối bởi xung đột, sự bất ổn và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, WFP đã chứng tỏ năng lực ấn tượng trong việc tăng cường và phát huy vai trò của mình, đi đầu trong việc phối hợp công tác viện trợ nhân đạo với nỗ lực thúc đẩy hòa bình thông qua các dự án tiên phong ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.
- Năm 2019: Giải Nobel Hòa bình 2019 thuộc về Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed vì những nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi của ông cho hòa bình-hòa giải, cũng như vai trò quan trọng mà ông đã đóng góp vào việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 20 năm với quốc gia láng giềng Eritrea. Thủ tướng Ethiopia Ahmed là người đã ký kết "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị" với Eritrea, qua đó mở ra chương mới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng này sau 2 thập kỷ thù địch. Hai nước chính thức nối lại quan hệ tháng 7/2018.
- Năm 2018: Bác sĩ Denis Mukwege (người Congo) và cô Nadia Murad (người Yazidi - một cộng đồng sắc tộc tôn giáo người Kurd, đến từ tỉnh Sinjar, miền Bắc Iraq), người phụ nữ từng bị tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng bắt cóc, vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình 2018 vì những nỗ lực nhằm chấm dứt nạn lạm dụng bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang. Ủy ban Nobel Na Uy đánh giá, hai nhân vật trên đã có những đóng góp trọng yếu giúp nâng cao nhận thức toàn cầu và chống lại các tội ác chiến tranh.
- Năm 2017: Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đã vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình 2017 với những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về những hậu quả thảm khốc của vũ khí hạt nhân đối với loài người, cũng như nỗ lực mang tính đột phá nhằm đạt được thỏa thuận cấm vũ khí hạt nhân. ICAN là một liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ được triển khai năm 2007. Đây là nhóm quốc tế thúc đẩy tuân thủ và thực hiện đầy đủ Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân. ICAN hiện có 541 tổ chức đối tác tại 103 quốc gia.
- Năm 2016: Tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình 2016 về những nỗ lực của ông nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 50 năm tại quốc gia Nam Mỹ này. Đây là cuộc chiến đã làm 220.000 người Colombia thiệt mạng và 6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Ông chính là người đã khởi động tiến trình đàm phán với Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) nhằm tiến đến một hiệp ước hòa bình giữa hai bên.
- Năm 2015: Bộ Tứ Đối thoại quốc gia Tunisia (bao gồm Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia, Liên minh Công nghiệp-Thương mại và Thủ công nghiệp Tunisia, Liên đoàn Nhân quyền, và Hội đồng Luật sư Tunisia) cùng trở thành đồng chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2015 vì những nỗ lực của nhóm trong việc kiến tạo hòa bình và dân chủ tại quốc gia Bắc Phi này. Nhóm bộ tứ đã mở đường cho đối thoại hòa bình giữa người dân, các đảng phải chính trị và chính quyền; giúp tìm ra những giải pháp cơ bản cho những thách thức về chia rẽ chính trị và tôn giáo.
- Năm 2014: Nữ sinh 17 tuổi người Pakistan Malala Yousafzai và nhà hoạt động về quyền trẻ em người Ấn Độ Kailash Satyarthi cùng vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình 2014, vì những nỗ lực không ngừng nghỉ chống lại sự áp bức đối với phụ nữ và trẻ em, cũng như bảo vệ quyền giáo dục của trẻ em. Malala Yousafzai được ca ngợi trên toàn thế giới như một phụ nữ can đảm đã dám đứng lên chống lại Taliban để bảo vệ niềm tin của mình và là người trẻ tuổi nhất giành được giải Nobel Hòa bình.
- Năm 2013: Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình 2013, do những nỗ lực trong việc tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria, quốc gia đã bị chìm trong nội chiến từ năm 2011, với mong muốn đóng góp vào nỗ lực cấm phổ biến vũ khí hóa học toàn thế giới. Có trụ sở tại thành phố Hague (Hà Lan), OPCW được thành lập để thực thi Công ước 1997 về vũ khí hóa học. Công ước này cấm việc phát triển, sản xuất, mua, cất giữ, tái chiếm dụng, chuyển giao hoặc sử dụng vũ khí hóa học.
- Năm 2012: Liên minh châu Âu (EU) đã đoạt giải Nobel Hòa bình 2012 vì đã duy trì được hòa bình và ổn định ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. EU hiện là một liên minh kinh tế-chính trị gồm 28 quốc gia thành viên thuộc châu Âu (tính cả Anh), được thành lập theo Hiệp ước Maastricht vào ngày 1-1-1993 dựa trên cộng đồng châu Âu. Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế châu Âu, EU đã phát triển được thị trường chung được coi là lớn nhất thế giới mà ở đó hàng hóa, con người, dịch vụ và vốn có thể lưu thông tự do.
- Năm 2011: Giải Nobel Hòa bình 2011 đã vinh dự được trao cho 3 phụ nữ gồm Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee (người Liberia) và Tawakkul Karman (người Yemen) nhằm tôn vinh cuộc đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Hội đồng Nobel nhận định giải thưởng sẽ giúp chấm dứt tình trạng đối xử tàn tệ đối với phụ nữ vẫn thường xảy ra tại nhiều quốc gia, đồng thời đánh thức tiềm năng to lớn của phụ nữ đối với dân chủ và hòa bình.
An Ngọc (tổng hợp)